Đảng viên phải gắn bó với nhân dân nơi cư trú
Cập nhật ngày: 13/06/2014 04:05:00
Trong những dịp công tác ở cơ sở hoặc tiếp xúc ở địa phương, tôi nghe nhiều người phàn nàn về tình trạng một số cán bộ, đảng viên (ĐV) đương chức sống xa dân. Không ít ĐV đang công tác không biết nhà mình ở tổ mấy, cụm dân cư nào, không nắm được tình hình nơi cư trú, ít tham gia các cuộc vận động, luôn “kín cổng cao tường”, ít quan hệ với bà con xung quanh. Tuy chưa nhiều, chưa phổ biến nhưng thực tế có hiện tượng như vậy là điều cần cảnh báo.
Bộ Chính trị có quy định “về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”, đây là cầu nối “hai chiều” để quản lý, giám sát, đánh giá, xếp loại cán bộ, ĐV tại nơi cư trú với nơi công tác; có tác dụng tích cực giúp các ĐV gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Qua tìm hiểu, có nhiều cấp ủy cho rằng thực hiện quy định ĐV sinh hoạt nơi cư trú là có hiệu quả. Hầu hết các chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi ĐV cư trú tiếp nhận, bố trí sinh hoạt đã tạo điều kiện cho ĐV gần gũi hơn với nhân dân, khắc phục được những biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với những công việc của người dân nơi cư trú; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của người ĐV, củng cố thêm mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của cấp ủy nơi ĐV đang công tác với cấp ủy nơi ĐV cư trú.
Điều đáng ghi nhận là đội ngũ cán bộ, ĐV đang công tác tại các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, có nhiều ĐV là cán bộ lãnh đạo, tham mưu chỉ đạo liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh nên khi về sinh hoạt, giữ mối liên hệ với cấp ủy địa phương nơi cư trú, có điều kiện tham gia góp ý và có nhiều ý kiến quan trọng giúp cấp ủy địa phương định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số ĐV không tham gia sinh hoạt đầy đủ, hoặc tham gia sinh hoạt cho “xong chuyện”, ít tham gia phát biểu ý kiến. Hạn chế đó, trước hết là do ĐV đang công tác chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhịệm của mình trong thực hiện quy định của Đảng, các cấp ủy cơ quan giới thiệu ĐV về địa phương nhưng thiếu sự liên hệ trở lại nắm tình hình thực hiện của ĐV...
Theo ông T., cán bộ hưu trí ở TP.Cao Lãnh, thì quan hệ giữa Đảng với nhân dân là truyền thống quý báu của đảng ta. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Điều ấy phải thể hiện bằng những quan hệ cụ thể giữa ĐV với nhân dân nơi công tác cũng như nơi cư trú. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, càng cần thường xuyên bồi đắp, tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân.
Đối với cấp ủy nơi ĐV cư trú, ngoài việc tạo điều kiện cho ĐV đương chức có mối liên hệ thường xuyên với cấp ủy, cần quan tâm cải tiến nội dung, bố trí thời gian, địa điểm sinh hoạt thích hợp, cần theo dõi số ĐV vắng mặt các buổi sinh hoạt trong năm để nhắc nhở hoặc thông báo cho cấp ủy nơi công tác biết. Đặc biệt, phải chặt chẽ, nghiêm túc và thực tế hơn trong nhận xét, đánh giá ĐV; khắc phục tình trạng nể nang, nhất là tính hình thức trong nhận xét ĐV đương chức khi có yêu cầu.
Cấp ủy cơ sở nơi ĐV công tác cần chủ động duy trì mối liên hệ thường xuyên với cấp ủy địa phương nơi ĐV cư trú nhằm nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo cho cấp ủy địa phương biết những ĐV đã thuyên chuyển công tác; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, rèn luyện ĐV, nhất là về đạo đức, lối sống, vai trò tiên phong gương mẫu và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của ĐV.
Mục đích của ĐV sinh hoạt nơi cư trú là “thường xuyên giữ mối liên hệ”, từ đó tạo điều kiện cho ĐV gần gũi hơn với nhân dân, khắc phục được những biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với những công việc của dân nơi cư trú. Đó là nội dung chính có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của việc thực hiện quy định này, chứ không phải chỉ chú ý đến việc tổ chức sinh hoạt một năm 2 lần, rất hình thức, lãng phí thời gian và kém hiệu quả. Đây cũng là góp phần thiết thực trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đồng Dao