Long Hưng A, “Áo mới” trên vùng chiến trường xưa
Cập nhật ngày: 30/04/2025 10:15:48

ĐTO - Những ngày tháng Tư, hòa trong không khí cả nước sôi nổi kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò rất tự hào khi thấy trên quê hương giàu truyền thống cách mạng có sự đổi mới, đi lên toàn diện. Những hố bom năm xưa giờ đã lấp đầy với những vườn cây ăn trái, ruộng lúa, ngôi nhà khang trang; những con đường đất với những cây cầu tre, cầu vỉ đã thay thế bằng cầu bê-tông cho xe ô tô về tận xóm, ấp...

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thanh Hùng (ngụ ấp Hưng Quới 1, xã Long Hưng A) rất vui khi con đường trước nhà đã mở rộng, láng nhựa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản
Long Hưng A - Anh hùng trong kháng chiến
Ngày 6/3/1984, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Quyết định số 36-HĐBT cho chia xã Long Hưng thành 2 xã: Long Hưng A và Long Hưng B. Xã Long Hưng A có bề dầy lịch sử, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Long Hưng A là căn cứ cách mạng của Huyện ủy Lấp Vò và tỉnh Vĩnh Long; Chi bộ Đảng, quân và dân xã Long Hưng trước đây (trong đó có xã Long Hưng A) đã kiên cường bám trụ, nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ và bảo vệ cơ quan của Huyện ủy Lấp Vò, cán bộ, chiến sĩ của tỉnh Vĩnh Long. Lực lượng vũ trang xã hoạt động linh hoạt, mưu mẹo, sáng tạo, gan dạ, anh dũng trong chiến đấu đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt hàng trăm tên địch và thu giữ nhiều vũ khí, giữ vững các căn cứ cách mạng trên địa bàn xã, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước ngày 30/4/1975.
Trong kháng chiến, xã Long Hưng A có hơn 1.000 cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hy sinh và bị thương tật. Xã có 30 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay còn sống 1 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng); 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) (hiện nay còn sống 1 AHLLVTND Trần Thanh Hùng (Hùng Ét)); 173 liệt sĩ, 42 thương binh; có 77 đối tượng người có công, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 45 người hưởng trợ cấp 1 lần về thành tích Huy chương kháng chiến; 175 người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; 29 người hưởng chế độ thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng đã chết; 3 người hưởng chế độ AHLLVTND đã chết được truy tặng...
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 22/1/1996, Đảng bộ và Nhân dân xã Long Hưng A được vinh dự đón nhận danh hiệu đơn vị AHLLVTND do Chủ tịch nước trao tặng.
AHLLVTND Trần Thanh Hùng (Hùng Ét) (SN 1952), hiện ở ấp Hưng Quới 1, xã Long Hưng A cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở xã Long Hưng A. Trong kháng chiến, trước tình cảnh xóm làng, quê hương bị bom đạn, chất độc hóa học thường xuyên; nhà dân bị địch đốt, hầu hết người dân phải bỏ nhà đi nơi khác ở... Năm 15 tuổi, ông xin gia đình cho theo các chú bộ đội để góp sức vào cuộc kháng chiến. Ban đầu, ông được các chú du kích địa phương hướng dẫn làm công tác giao liên, tham gia văn nghệ, làm những việc vừa sức. Dần dần trưởng thành, ông được huấn luyện cầm súng, rồi trở thành chiến sĩ... Ông Hùng đã trải qua nhiều lần chiến đấu, nhiều trận phải đối diện với sự hy sinh, nhưng ông không bao giờ lùi bước, không sợ gian khổ, quyết chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước. Trong suốt thời gian tham gia cách mạng, ông chỉ mong cho quê hương, đất nước sớm được hòa bình, không nghĩ lợi ích gì cho bản thân. Ông Hùng từng 7 lần bị thương. Hiện trong đầu ông vẫn còn 1 mảnh đạn, một mắt bị thương không còn nhìn được.
Một ngày tháng Tư, ông Hùng kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến tranh, nhất là những trận đánh sinh tử. Chẳng hạn, khi là y tá của quân y huyện, không có chuyên môn về công binh, nhưng có một lần thấy địch đi vào gần khu vực của đơn vị để gài mìn, ông xin lãnh đạo cho ông trực tiếp bò đến khu vực địch gài mìn để gỡ lấy mấy quả mìn vì lúc đó ta rất thiếu vũ khí. Lúc gỡ mìn, ông cảm nhận rất nguy hiểm, nhưng với lòng quyết tâm và tập trung, ông đã thực hiện thành công. Khi gỡ được trái mìn đầu tiên, ông đưa cho một đồng đội cùng đi (để quan sát tình hình), người đồng đội vừa cầm trái mìn vừa run vì quá nguy hiểm. Lúc đó, ông trấn an: “Mầy cầm chặt đi, không có nổ đâu”. Sau đó, ông đã gài mấy quả mìn vừa thu được ở chỗ khác. Lính địch trở lại phục kích đơn vị ông, đi trúng vào chỗ ông đã gài mìn, mìn nổ làm chết mấy tên địch...
Trong một trận đánh vào năm 1973, ông bị trúng đạn, đồng đội nghĩ ông đã hy sinh, chuẩn bị quấn vải ni-lông cho ông, lo hậu sự. “Trận đó, lực lượng địch với 2 Tiểu đoàn hành quân về hướng căn cứ Huyện ủy. Khi địch đến gần, tôi ném quả lựu đạn đầu tiên, nhưng không nổ. Quân địch vào tiếp, tôi liền ném quả lựu đạn thứ hai, địch bắn về phía tôi, tôi bị trúng đạn ở đầu và bất tỉnh. Trận chiến diễn ra ác liệt, đồng đội vừa chiến đấu vừa kéo tôi đi, rồi để tôi nằm trong hầm bí mật. Khi địch rút lui, đêm xuống, đồng đội trở lại tìm và nghĩ rằng tôi đã chết nên vệ sinh, chuẩn bị quấn vải ni-lông đem chôn thì phát hiện tôi còn thở nhẹ nên tập trung cấp cứu cho tôi”- ông Hùng kể.

Trên địa bàn xã Long Hưng A có Khu Du lịch văn hóa Phương Nam thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, là niềm tự hào của người dân địa phương
“Áo mới” trên vùng chiến trường xưa
Để giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng, sau khi thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Long Hưng A tập trung đẩy mạnh sản xuất, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng (hệ thống thủy lợi, đường giao thông kết hợp với đê bao chống lũ...); chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, Nhân dân ngày càng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tăng Ngọc Sang - Chủ tịch UBND xã Long Hưng A và ông Phạm Công Trường - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 1975, xã chỉ gieo trồng 1 vụ lúa mùa được gần 1.000ha, sản lượng rất thấp, Nhân dân đói phải ăn rau, củ, quả thay cơm. Từ năm 1984 trở về sau, xã tập trung đào kênh thủy lợi, lập đê bao chuyển canh tác từ 1 vụ lên 2 vụ rồi 3 vụ lúa/năm; cải tạo vườn tạp trồng hoa màu, cây ăn trái... đời sống của người dân ngày càng cải thiện. Năm 1990, xã có 100 cây cầu ván, cầu vỉ tre lớn nhỏ.
Đến nay, những cầu này đã được thay thế bằng cầu bê-tông cốt thép. Xã có 2 tuyến đường huyện lộ (ĐH68 và ĐH69) được nhựa hóa và các tuyến đường liên ấp đều được trãi nhựa hoặc bê tông phục vụ xe 4 bánh lưu thông dễ dàng... Thời gian qua, nông dân của xã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây màu, hoa kiểng và cây ăn trái, bước đầu hình thành được liên kết trong sản xuất và tiêu thụ một số mặt hàng nông sản (hoa kiểng, dưa hấu). Về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã được tập trung đầu tư từ nhiều nguồn lực, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân nên đầu năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận xã Long Hưng A đạt chuẩn xã NTM; hiện đạt 14/19 tiêu chí xã NTM nâng cao.
5 năm qua, xã được đầu tư xây dựng 10 tuyến đường đan, với tổng kinh phí 110 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 55 tỷ đồng, Nhân dân và mạnh thường quân đóng góp 55 tỷ đồng và nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐH69, với tổng kinh phí khoảng 34 tỷ đồng; xây dựng mới 7 cây cầu bê-tông, với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 1,8 tỷ đồng. Hiện xã có 13 doanh nghiệp và 51 cơ sở sản xuất, kinh doanh; thu nhập bình quân đầu người 5 năm qua đạt trên 59 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn 1,10%...

Dù cao tuổi nhưng ông Lê Văn Nới (ngụ ấp Hưng Mỹ Đông, xã Long Hưng A) hàng ngày vẫn ra vườn chăm sóc cây ăn trái
Ông Lê Văn Nới (SN 1940), tham gia cách mạng từ năm 1963 đến ngày 30/4/1975, hiện ở ấp Hưng Mỹ Đông, xã Long Hưng A cho biết, sau ngày giải phóng, đời sống của người dân ở xã rất khó khăn. Vợ chồng tôi phải mưu sinh nhiều nghề để nuôi 10 đứa con, quyết chí làm ăn để vươn lên. Sau bao năm vất vả làm và tích lũy, năm 2019, ông Nới xây căn nhà trị giá gần 5 tỷ đồng. Giờ ông có 7 công vườn trồng mít cho thu nhập ổn định. “Trải qua những khó khăn, mất mát của thời chiến tranh nên tôi rất quý những ngày hòa bình. Tôi luôn cố gắng làm ăn để cải thiện cuộc sống. 50 năm nhìn lại, quê hương mình đã đổi thay, phát triển rất nhiều mà khi mới giải phóng, tôi không bao giờ tưởng tượng đến vậy! ” - ông Nới bộc bạch.
Còn AHLLVTND Trần Thanh Hùng, chia sẻ: “Tôi may mắn còn sống và rất hạnh phúc khi nhìn thấy được sự đổi thay từng ngày của quê mình, đất nước mình. Sống trong hòa bình, tôi luôn biết ơn những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước. Tôi rất bồi hồi nhớ những người chú, người anh, đồng đội thời chiến đấu, đã ngã xuống, không được chứng kiến ngày hòa bình. Tôi tin rằng vùng đất Long Hưng A Anh hùng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và đạt những thành tựu đầy tự hào trong thời kỳ mới...”.
Thành Nam