Biên soạn và đưa tài liệu giáo dục địa phương vào giảng dạy

Cập nhật ngày: 26/06/2020 10:08:17

ĐTO - Cùng với các chương trình giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện kế hoạch biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 trên địa bàn tỉnh. Tài liệu GDĐP được xây dựng, biên soạn, thẩm định bởi các chuyên gia, nhà khoa học trong, ngoài tỉnh, một số nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở GDPT.


Học sinh cấp THCS sẽ học tập tài liệu giáo dục địa phương, trong đó có các hoạt động trải nghiệm thực tế

Thực hiện tài liệu GDĐP theo chương trình GDPT năm 2018 với hướng mới, điều chỉnh, Sở GD&ĐT đã liên hệ với các sở, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực quản lý. Phòng GD&ĐT, các cơ quan chuyên môn địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch theo địa bàn. Theo Sở GD&ĐT, đến nay các nội dung biên soạn tài liệu GDĐP tuân thủ các quy định của pháp luật, xây dựng cụ thể hóa từ các mục tiêu của chương trình GDPT năm 2018. Ban biên soạn tài liệu GDĐP tập trung biên soạn những kiến thức gắn với vấn đề văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị-xã hội, môi trường... trong tỉnh Đồng Tháp, phù hợp với từng cấp học.

Đối với từng cấp học, lớp học, tài liệu GDĐP sẽ hỗ trợ học sinh (HS) tiếp cận với nội dung khác nhau phù hợp với lứa tuổi, trình độ, định hướng nghề nghiệp của HS, làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục. HS được học nội dung GDĐP theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giảng dạy các môn học (đối với cấp Tiểu học), giáo dục phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của HS đối với cấp THCS, THPT. Trong quá trình giảng dạy, từ tài liệu GDĐP được biên soạn, giáo viên có các tư liệu chính xác, phù hợp, vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy theo hướng tích hợp, chủ động, sáng tạo, sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá, xếp loại HS theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Với sự tư vấn, cố vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, các giáo viên, HS cấp Tiểu học sẽ được học, tìm hiểu các lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, phong tục tập quán địa phương. Hoặc kiến thức tổng quan về địa lý, dân cư, cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên, ngành nghề, làng nghề truyền thống, đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh, kỷ cương, pháp luật. Đối với HS THPT không chỉ có các tiết học, tìm hiểu về lịch sử, đất nước, con người của tỉnh Đồng Tháp mà còn có các hoạt động hướng nghiệp, địa lý, kinh tế. Cụ thể những kiến thức về thị trường lao động, ngành nghề, các ngành kinh tế mũi nhọn, tiềm năng phát triển, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Các chương trình, số tiết học của tài liệu GDĐP tương đương với môn học bắt buộc, thời lượng 35 tiết/năm học/lớp. Tài liệu được biên soạn, giảng dạy là tài liệu mở, sau khi giảng dạy sẽ tiếp tục tiếp thu, điều chỉnh các đóng góp của giáo viên, HS sau 1 học kỳ để hoàn thiện.

Đảm bảo các kỹ năng giảng dạy và truyền đạt tài liệu GDĐP theo chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT, phòng chuyên môn sẽ biên soạn thêm tài liệu hướng dẫn giáo viên sử dụng, khai thác nội dung các chuyên đề vào dạy học. Các giáo viên được tập huấn các kiến thức trọng tâm, phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học, xây dựng các chuyên đề tích hợp liên môn. Tài liệu GDĐP theo chương trình GDPT 2018 vận dụng vào giảng dạy khuyến khích HS tiếp cận thực tiễn, trải nghiệm, gắn giáo dục nhà trường với cộng đồng, gắn kiến thức đã học trong trường với thực tế địa phương. Qua đó, giúp HS hòa nhập với môi trường đang sống, có trách nhiệm trong tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa quê hương, địa phương, có kiến thức, kỹ năng nền tảng trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn