“Hô biến” phân bò... thành tiền
Cập nhật ngày: 27/05/2019 16:43:14
ĐTO - Nhận thấy hoạt động chăn nuôi bò diễn ra ngày càng nhiều, số lượng phân thải ra gây ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, anh Châu Đăng Quang (26 tuổi, ngụ ấp An Phú, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò) đã dùng phân bò chế tạo ra phân hữu cơ vi sinh làm hành trang cho con đường khởi nghiệp của mình.
Anh Châu Đăng Quang kiểm tra quy trình xử lý phân hữu cơ vi sinh từ phân bò
Dự án khởi nghiệp thành công, anh Quang mạnh dạn tham gia cuộc thi dự án khởi nghiệp và lọt vào vòng chung kết cấp tỉnh, bán kết cấp Quốc gia, đạt giải khuyến khích khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tận dụng phế thải
Anh Quang kể, khi đang học đại học anh đã cố gắng sắp xếp thời gian tham gia vào các công trình thực nghiệm của các sinh viên ngành nông học và kỹ thuật nông nghiệp. Sau một thời gian, anh may mắn được thầy cố vấn chọn làm người hỗ trợ công trình nghiên cứu khoa học về đề tài “Đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà”.
Với những kiến thức tích lũy được, anh Quang mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học vào việc xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân hữu cơ vi sinh ngay tại huyện Lấp Vò. Đến đầu năm 2017, dự án phân hữu cơ vi sinh từ phân bò của anh Quang được chính quyền địa phương tạo điều kiện để thực hiện, phát triển.
Anh Quang cho biết, hoạt động chăn nuôi bò diễn ra ngày càng nhiều, vấn đề về xử lý chất thải ít được người dân quan tâm. Chính vì vậy, anh ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nguồn phân bò thành phân hữu cơ vi sinh và phục vụ lại sản xuất nông nghiệp.
“Chế biến phân bò thành phân vi sinh vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa đáp ứng được xu thế thị trường nông sản là hạn chế sử dụng phân hóa học để tạo ra sản phẩm sạch. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân bò hoàn toàn phù hợp, khả thi trong hiện tại và tương lai” - anh Quang chia sẻ.
Phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ phân bò được ủ bằng các chế phẩm sinh học trong điều kiện nhiệt độ cao làm tăng khả năng hoạt động của vi sinh vật, khử các vi khuẩn, vi nấm có hại và củng cố các nguyên tố đa lượng cho đất giúp cây trồng dễ hấp thu chất dinh dưỡng và phát triển rễ, đồng thời sản phẩm rất thân thiện môi trường. Theo anh Quang, sau khoảng 40 ngày xử lý, với nhiệt độ cao lên tới 7000C và độ ẩm 50%, cơ chất phân bò được phân hủy hoàn toàn, không còn mùi hôi và rất tơi xốp. Sau khi thành phẩm, mỗi tấn phân vi sinh được bán với giá 4 triệu đồng.
Anh Đỗ Hồng Quân - Phó Bí thư Huyện đoàn Lấp Vò cho biết, Huyện đoàn sẽ phối hợp cùng các ngành chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương hỗ trợ đối với dự án của anh Quang để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm phân vi sinh. Đồng thời, đồng hành trong việc giới thiệu, đưa sản phẩm tiếp cận nhiều thị trường thông qua các kênh tuyên truyền của Đoàn thanh niên, các diễn đàn khởi nghiệp, các hoạt động thương mại về sản phẩm nông nghiệp, gian hàng nông nghiệp xanh.
Chung tay bảo vệ môi trường
Với nhu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch thì nhu cầu sử dụng phân hữu cơ vi sinh ngày càng nhiều. Với thành phần chủ yếu là phân bò nên phân được sản xuất ra thân thiện môi trường, không chỉ cung cấp một lượng lớn hệ vi sinh vật có lợi cho đất, mà còn bổ sung thêm lượng dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
“Khi sản phẩm được bón vào đất sẽ giúp đất tơi xốp, giữ ẩm cao, hạ phèn nên tạo điều kiện cho cây trồng phát triển bộ rễ, dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Nhờ đó, người nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra nguồn nông sản sạch, an toàn sức khỏe cho người sử dụng” - anh Quang phân tích hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Vương ngụ ấp An Thạnh, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò là nghệ nhân trồng hoa, kiểng có sử dụng phân hữu cơ vi sinh của anh Quang cho biết: “Phân hữu cơ vi sinh chế biến từ phân bò sử dụng rất tiện lợi, giá thành rẻ, phù hợp với nhiều loại cây trồng, cây phát tiển tốt, giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường từ việc chăn nuôi bò ngày càng nhiều của người dân”.
Với nguồn nguyên liệu là phân bò dồi dào có ngay tại địa phương đã tạo lợi thế cho anh Quang thực hiện dự án khởi nghiệp của mình. Giá nguyên liệu rất rẻ nên giảm chi phí sản xuất, giá bán thấp, đồng thời trong tỉnh Đồng Tháp ít có tổ chức sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguyên liệu chính là phân bò. Dự án của anh Quang đã tiên phong trong việc hỗ trợ nông hộ vươn ra thị trường nông sản sạch trong, ngoài nước. Phân hữu cơ vi sinh giúp cải tạo đất nghèo dinh dưỡng, tăng năng suất cây trồng, thân thiện môi trường và quan trọng là tạo ra nguồn nông sản không gây hại sức khỏe cho con người - hướng phát triển này đã hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thị trường nông sản hiện nay và trong tương lai.
Anh Đỗ Hồng Quân - Phó Bí thư Huyện đoàn Lấp Vò cho biết, hầu hết các gia đình ở nông thôn đều có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và có lượng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, người dân chưa khai thác hoặc chưa sử dụng hiệu quả để làm phân bón cho cây trồng, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tất cả những loại phế phẩm trên đều có thể tận dụng làm phân hữu cơ vi sinh để bón làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường sống ở các vùng nông thôn. Việc ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nguồn chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ vi sinh và phục vụ lại sản xuất nông nghiệp của anh Quang không chỉ giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí trong sản xuất, mà còn giải quyết được vấn đề môi trường, đặc biệt tạo ra nguồn nông sản sạch, an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
DƯƠNG ÚT