Đẩy mạnh công tác chống thất thoát, thất thu nước
Cập nhật ngày: 07/09/2019 05:31:37
ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc thực hiện chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn nông thôn giai đoạn 2016 - 2025, hiện nay công tác đảm bảo cấp nước an toàn được giao cho Công ty TNHH Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp thực hiện.
Trạm cấp nước sạch
Khi thực hiện dịch vụ cấp nước, Công ty TNHH Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp luôn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu tham mưu đề xuất cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn đang hoạt động trên địa bàn và các dự án đầu tư mới. Qua đó, nhằm đảm bảo cấp nước an toàn và chống thất thu nước.
Đơn vị khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn được hưởng các loại hình ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời được phép huy động vốn góp dưới dạng cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị. Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư.
Theo đó, ưu tiên các dự án đầu tư khai thác sử dụng nguồn nước mặt, công suất lớn (2.500m3/ngày đêm) có khả năng cung cấp 1.000 hộ dân trở lên. Đối với các công trình cấp nước nhỏ lẻ sẽ thực hiện nối mạng giữa các trạm, phục vụ cho toàn xã hay vùng (gồm nhiều xã). Hình thức này áp dụng với các vùng có các cụm dân cư không ở cách nhau quá xa, mật độ dân cư lớn; hoặc đã có các trạm cấp nước tập trung nhỏ, phục vụ cấp nước không hiệu quả. Việc nối mạng các trạm cấp nước sẽ làm tăng hiệu quả phục vụ, hạn chế việc xây dựng thêm các trạm cấp nước mới, dễ quản lý, giảm chi phí vận hành bảo dưỡng.
Hoạt động chống thất thoát, thất thu nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, hiện nay trang thiết bị và đường ống sử dụng hỗ trợ cho hoạt động cấp nước hầu hết đã cũ và xuống cấp. Có khoảng 70% tổng số đường ống đang hoạt động trên địa bàn có tuổi thọ hơn 10 năm, gây ra tình trạng rò rỉ bể ngầm, các đấu nối gây thất thu, thất thoát nước.
Theo Sở NN&PTNT, hoạt động chống thất thoát, thất thu nước là công tác quan trọng, góp phần vào mục tiêu chung phát triển về kinh tế và xã hội của địa phương. Vì vậy, mục tiêu của kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh được định hướng trong giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung huy động các nguồn lực, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong hoạt động chống thất thoát, thất thu nước, đảm bảo đến năm 2020 tỷ lệ thất thoát nước giảm dưới 18% (từ 15 - 18%).
Trong giai đoạn 2020 - 2025, mục tiêu đề ra là tỷ lệ thất thoát nước giảm dưới 15% (từ 13 - 15%). Theo đó, ưu tiên nguồn vốn trung hạn 2021 - 2025 cho việc đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp các trạm cấp nước trọng điểm khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đấu nối các trạm cấp nước nhỏ lẻ đã xuống cấp (tỷ lệ thất thoát nước cao) vào các hệ thống cấp nước có qui mô công suất lớn, công nghệ xử lý hiện đại nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, bổ sung kinh phí cho tỉnh Đồng Tháp để đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh.
Y DU