Phát triển làng nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật

Cập nhật ngày: 05/09/2019 05:25:00

ĐTO - Tỉnh tiếp tục phát triển làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân; tập trung phát triển sản phẩm đặc thù của từng địa phương, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hình thành các sản phẩm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.


Dệt chiếu bằng máy

Toàn tỉnh có 38/39 làng nghề CN-TTCN được UBND tỉnh công nhận (có 18 làng nghề truyền thống), với các sản phẩm như: đan đát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ,... Thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, các điểm du lịch và một phần xuất khẩu. Số hộ tham gia làm nghề khoảng 5.627 hộ (chiếm 17,01% tổng số hộ trên địa bàn có làng nghề), với khoảng 12.162 lao động tham gia và tổng thu nhập hàng năm của làng nghề khoảng 15.340 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động 1,7 – 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, tỉnh đang tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đăng ký bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại để gắn kết trong chuỗi sản phẩm OCOP. 17/39 làng nghề của tỉnh đã rà soát các tiêu chí công nhận đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường.

Có 3 nhãn hiệu của làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận gồm: “Dệt choàng Long Khánh” của Hợp tác xã Dệt choàng Long Khánh; “Làng Hoa – Kiểng Sa Đéc” do Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc làm chủ sở hữu; “Rau, củ, quả, an toàn Long Thuận” của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận. Các làng nghề có 90 sản phẩm đăng ký giấy phép kinh doanh, 71 sản phẩm có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, 44 sản phẩm có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 44 sản phẩm có giấy công bố an toàn thực phẩm.

Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong làng nghề tham gia hội chợ, giới thiệu quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện, khuyến khích các đơn vị tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh như: hội chợ, triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam tại Đồng Tháp, Hội chợ công nghiệp – thương mại Kiên Giang, Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam – Campuchia tại Đắk Nông, tổ chức Phiên chợ nông nghiệp xanh, hội nghị kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp tại TP.Hồ Chí Minh; hội nghị kết nối cung cầu tại Đà Nẵng, miền Trung, Tây Nguyên; tổ chức cho 6 hợp tác xã đi khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với học tập kinh nghiệm tại 3 tỉnh Tây Bắc; tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm tại sự kiện, lễ hội lớn... Bên cạnh đó, chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ cho 51 cơ sở sản xuất nghề truyền thống, làng nghề CN-TTCN với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng và hỗ trợ từ chương trình khuyến công Quốc gia cho 8 cơ sở với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Đến nay, tỉnh có 21 sản phẩm từ các làng nghề CN-TTCN được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và 33 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Hướng tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể các chương trình, đề án phát triển nghề truyền thống, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý nhà nước về làng nghề; gắn phát triển làng nghề CN-TTCN với thực hiện Chương trình OCOP, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án với nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để hỗ trợ phát triển sản xuất tại các làng nghề CN-TTCN; hỗ trợ tín dụng phát triển ngành nghề truyền thống thông qua Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; thay đổi phương thức đào tạo cho phù hợp với từng loại đối tượng, phát huy hình thức đào tạo theo hợp đồng; khuyến khích các làng nghề, cơ sở nghề mở lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương và các vùng lân cận. Ngành chức năng hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm xây dựng đăng ký nhãn hiệu sản phẩm làng nghề...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn