Đồng Tháp – địa phương khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 19/02/2018 07:25:50

ĐTO - Bằng tình yêu quê hương, các startup đã khéo léo khai thác thế mạnh của địa phương để tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, mang tính xã hội cao. Đồng thời, họ biết gắn những sản phẩm của mình vào sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà, góp phần xây dựng một Đồng Tháp khởi nghiệp.


Sản phẩm khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều người

Startup “tử tế”

Sau hơn 2 năm, tinh thần khởi nghiệp của Đồng Tháp phát triển mạnh mẽ. Có nhiều dự án khởi nghiệp đi trước đã tiếp cận sâu với thị trường như gạo sạch Tâm Việt của Võ Văn Tiếng, sản phẩm tinh dầu của Đoàn Ngọc Minh Thùy, Ngô Chí Công với sản phẩm chế biến từ sen mang tính nghệ thuật, ứng dụng cao trong đời sống... Bên cạnh đó, ngày càng nhiều sản phẩm khởi nghiệp mới “chào sân” được đánh giá là giàu tiềm năng. Đơn cử như củ ấu tươi tách vỏ của Nguyễn Anh Thy, khô trâu Quang Hiển của Trương Lê Huy Hoàng, Mật ong Hương Tràm của Trần Thành Long,...

Củ ấu là sản phẩm quen thuộc đối với người dân vùng sông nước, tuy nhiên hình thức chế biến sản phẩm còn giới hạn, dẫn đến thị trường chưa rộng mở. Hướng đến sự tiện dụng cho người tiêu dùng, khai phá giá trị còn “ẩn mình” của củ ấu, bạn Nguyễn Anh Thy đã bắt tay thực hiện dự án củ ấu tươi tách vỏ. Khi sản phẩm củ ấu tươi tách vỏ “chào sân”, đã đánh trúng vào nhu cầu khách hàng, sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.

Đánh dấu với thị trường thông qua sản phẩm khởi nghiệp, các Startup quan niệm không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn phải quan tâm đến tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Phần lớn các sản phẩm khởi nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến đều được chăm chút rất cẩn thận, đăng ký ATVSTP. Không chỉ vậy, bao bì sản phẩm cũng được trau chuốt, mang tính thẩm mỹ cao, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến môi trường và có thể tái sử dụng. Ghi nhận sự đầu tư đúng đắn này, hiện các sản phẩm khởi nghiệp đã có mặt tại các chuỗi siêu thị, các khu du lịch, nhà hàng.

Điểm nhấn của các Startup không chỉ hướng đến doanh thu mà còn quan tâm đến nâng giá trị nông sản, yếu tố cộng đồng. Như dự án đạt giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2017, thay vì một ký ấu tươi chỉ vài ngàn đồng thì sau khi ấu được tách vỏ giá bán được nâng lên từ 45.000 - 60.000 đồng/kg.

Tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp Đồng Tháp 2017, bạn Đỗ Đăng Khoa - dự án sản phẩm từ phế phẩm nông nghiệp (hoa xơ mướp, bông tắm) - khi ban giám khảo chất vấn chủ dự án có lo lắng sự cạnh tranh của các đối thủ kinh doanh cùng sản phẩm. Khoa thẳng thắn chia sẻ, nếu có nhiều người kinh doanh sản phẩm xơ mướp thì xin chúc mừng người nông dân tỉnh nhà sẽ có điều kiện cải thiện nguồn thu nhập tốt hơn.

Điều đáng trân trọng hơn đối với các Startup chính là họ biết dựa vào tiềm năng của tỉnh để phát triển nhưng không quên “trả ơn” quê hương bằng việc đưa sản phẩm khởi nghiệp vào việc phát triển kinh tế - xã hội, khắc họa hình ảnh Đồng Tháp. Bạn Nguyễn Thành Long chia sẻ: “Thời gian tới, cơ sở tiếp tục đầu tư trang thiết bị để đa dạng sản phẩm đồng thời sẽ trao đổi với Vườn Quốc gia Tràm Chim để gắn mô hình sản xuất vào tour du lịch của đơn vị. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm quy trình nuôi ong, lấy mật và dùng thử, mua sắm sản phẩm mật ong Hương Tràm đặc biệt của quê hương Đồng Tháp. Với định hướng này, bản thân hy vọng góp phần nhỏ xây dựng hình ảnh Đồng Tháp”.

Ông Phạm Uyên Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Đào tạo Doanh Chủ (nhà đầu tư Thiên Thần) cho biết: “Tôi ngạc nhiên và cảm nhận rõ được sự đàng hoàng của các bạn khởi nghiệp tại Đồng Tháp. Đây là một trong những yếu tố đáng tin cậy để nhà đầu tư có thể đồng hành. Điều đáng mừng hơn là các dự án khởi nghiệp đa số sử dụng phế phẩm, phụ phẩm của nông nghiệp để tạo thành những sản phẩm có giá trị gia tăng, mang tính cộng đồng, có ý nghĩa xã hội cao. Nếu được đầu tư, chăm chút nhiều hơn, tôi tin rằng những dự án sẽ phát triển rất tốt và tiềm năng sẽ rất lớn”.

Đồng Tháp - địa phương khởi nghiệp

Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định, Đồng Tháp có vị trí địa lý không thuận lợi, vì vậy địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Bình quân số doanh nghiệp của Đồng Tháp chỉ bằng khoảng 1/3 so với bình quân chung của cả nước. Trước thực tế đó, địa phương phải “tự cứu mình” thông qua “khởi nghiệp” trên nền tảng đổi mới, sáng tạo.

Từ năm 2015, Đồng Tháp đã phát động phong trào khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch khởi nghiệp hướng vào những nội dung cụ thể, thiết thực. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, Hội Nữ doanh nghiệp tỉnh, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp, hợp tác với Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF)... Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp. Tỉnh đoàn Đồng Tháp cũng vừa ra mắt Phòng Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đặt trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các bạn khởi nghiệp vững tin.


Tỉnh đoàn ra mắt Phòng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Để chắp cánh cho các Startup vươn xa, lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp tổ chức Cuộc thi dự án khởi nghiệp năm 2017 do Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và SVF phối hợp tổ chức. Cuộc thi quy tụ 53 dự án, với nhiều đối tượng, độ tuổi, lĩnh vực khác nhau. Các dự án được đánh giá mang đậm dấu ấn của tỉnh, giải quyết được các vấn đề đặt ra của địa phương. Đồng thời, các dự án còn là những tấm gương cho các đối tượng học sinh, sinh viên tham khảo, xây dựng những ý tưởng kinh doanh mới mẻ.

Chính những mảnh ghép từ sự đồng hành của chính quyền địa phương cộng với yếu tố con người, cố vấn của các Mentor, sự đầu tư của các nhà đầu tư Thiên Thần, những doanh nhân đi trước trở lại giúp đỡ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đã dần dần cấu thành đầy đủ các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, hình thành “Đồng Tháp khởi nghiệp”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại các Startup Đồng Tháp mang bên mình những tiềm năng lớn nhưng phần lớn vẫn còn hạn chế về công tác quản trị, công nghệ... Khi bắt tay với tỉnh để giúp phong trào khởi nghiệp “vươn vai” trong thời đại bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, SVF đã có những lộ trình cụ thể. Hiện nay, SVF thực hiện chương trình ký kết hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam với mong muốn kết nối những nhà khoa học hàng đầu trên các lĩnh vực khác nhau (nông nghiệp, hóa học, sinh học...) để đến và làm việc với các dự án khởi nghiệp Đồng Tháp. Nếu mỗi nhà khoa học lựa chọn cố vấn cho nhóm khởi nghiệp nào đó thì phong trào được hỗ trợ với một sức mạnh mới.

Ông Phạm Uyên Nguyên (nhà đầu tư Thiên Thần) cho rằng: Nếu khắc phục được những điểm hạn chế hiện tại thì với những người khởi nghiệp đàng hoàng, được đào tạo, trải nghiệm nhiều hơn thì tôi tin rằng, chắc chắn trong tương lai 10 năm tới, Đồng Tháp sẽ có những doanh nghiệp rất lớn quy mô cả nước và mang tầm thế giới.

Ông Phạm Duy Hiếu - Giám đốc SVF chia sẻ: “Tôi có thể khẳng định Đồng Tháp đã là một địa phương khởi nghiệp. Bởi hiện tại chưa có một chỉ tiêu nào quy định cụ thể nhưng qua mỗi một cuộc thi, mỗi một phong trào khởi nghiệp tại Đồng Tháp lại thu hút được nhiều đối tượng, độ tuổi tham gia. Tôi cho rằng, Đồng Tháp đã đi được những bước dài trên bước đường địa phương khởi nghiệp”.

Túc Lạc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn