Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp

Góp phần thúc đẩy phong trào giao thông nông thôn

Cập nhật ngày: 31/03/2020 10:13:48

ĐTO - Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp được thành lập vào ngày 25/4/2013 (Hội). Ban Chấp hành Hội đã tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm bằng các giải pháp phù hợp nên quá trình hoạt động đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần cùng các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện mục tiêu thứ 2 về xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn.


Thầy Thích Thiện Quý - trụ trì chùa Tâm Thành, xã Phú Cường, huyện Tam Nông (có nhiều hoạt động từ thiện, trong đó có vận động xây cầu) cùng người dân đổ mặt cầu

Đại hội Đại biểu Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp lần thứ I đã xác định: Hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người có nhu cầu và tự nguyện tham gia vào các hoạt động xây dựng giao thông nông thôn. Hội tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ cán bộ chuyên môn, khoa học kỹ thuật, các lực lượng xã hội, những tập thể và cá nhân tâm huyết với công tác xây dựng và phát triển giao thông, vận động nguồn lực, hướng dẫn kỹ thuật nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển giao thông nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn.

Khi thành lập Hội, toàn tỉnh có 126km đường huyện và 556km đường xã cần phải nâng cấp; 1.399 chiếc cầu khỉ, cầu ván tạm bợ cần phải xây dựng lại với tổng số chiều dài 34.568m (chủ yếu là cầu nông thôn xóm, ấp). Trong tình hình ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và phát triển cầu, đường nông thôn phải được tiến hành bằng sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp bằng nhiều nguồn lực và giải pháp. Hội ra đời tập trung vận động các nguồn lực hỗ trợ công tác xây dựng cầu, đường nông thôn, ưu tiên phục vụ cho các xã nông thôn mới; thành lập trung tâm dịch vụ tư vấn của Hội, khảo sát, thống kê lập khái toán, phương án và nguồn lực đầu tư cho từng, xã, huyện, thị, thành; vận động, tiếp nhận phương tiện kỹ thuật, vật tư hỗ trợ cho các đội thi công và các xã thực hiện kế hoạch xây dựng, phát triển giao thông theo từng giai đoạn;...

Hiện toàn tỉnh có 5 huyện, thị, thành thành lập Hội cấp huyện và Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Hội. Lúc mới thành lập, Hội có 800 hội viên, đến nay 1.170 hội viên. Hội đã tập trung củng cố, kiện toàn các đội thi công cầu từ thiện xã hội, vận động phát triển thêm nhiều hội viên mới, với nhiều thành phần và độ tuổi khác nhau, rất nhiều người là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tuổi đời cao nhất gần 90 tuổi, trẻ nhất gần 18, nhiều phụ nữ cũng tham gia, có cả người khuyết tật, đều cùng chung một tấm lòng thiện nguyện hoạt động cống hiến vì niềm vui của mọi người. Đến nay toàn tỉnh có 13 đội thi công cầu, đường từ thiện xã hội (TP.Sa Đéc 3 đội, huyện Châu Thành 2 đội, huyện Lai Vung 2 đội, huyện Lấp Vò 1 đội, huyện Thanh Bình 1 đội, huyện Tháp Mười 2 đội, huyện Cao Lãnh 1 đội, huyện Tam Nông 1 đội) với 358 tình nguyện viên.


Đội thi công cầu từ thiện xã hội U80 của huyện Lai Vung

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh, kết quả hoạt động của Hội đã chứng minh sự ra đời của Hội là rất cần thiết, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân vùng nông thôn, cùng với chính quyền góp phần thực hiện mục tiêu số 2 về xây dựng nông thôn mới. Hội đã tập hợp xung quanh mình những tập thể và nhà hảo tâm giàu lòng nhân ái, hết lòng hoạt động thiện nguyện vì nhu cầu đi lại, niềm vui và sự phát triển của nông thôn. Các công trình do Hội đảm nhận ngày càng to đẹp, bền chắc, có giá thành hợp lý, kinh phí được công khai, minh bạch đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các nhà tài trợ và nhân dân địa phương. Với cách làm đó, nguồn lực tài trợ cho Hội ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Hải Quân – Chủ tịch Hội cho biết, phương châm hoạt động của Hội là: “Không cầu danh, cầu lợi, hoạt động vì nhu cầu, niềm vui và sự tin yêu của nhân dân” nên ngày càng được nhiều người ủng hộ. Qua quá trình hoạt động, Hội đã nhận được sự đóng góp rất nhiệt tình từ công sức, kết nối, vận động tài trợ, đến kinh phí, máy móc, vật tư của rất nhiều cá nhân. Ông Võ Văn Hóa (Bảy Bế) ở ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười xây cầu, làm đường nông thôn bằng tiền của mình được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Khi bị bệnh và biết mình không qua khỏi, ông gọi con trai là Võ Văn Đức đến dăn dò: “Còn 2 đoạn đường ba đã hứa với bà con mà chưa làm kịp, các con thay ba làm sớm để giữ lời hứa của ba”. Ông Trịnh Văn Y – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Bến Tre, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre, rất nhiệt huyết trong truyền lửa và kinh nghiệm cho Đồng Tháp xây dựng cầu, đường nông thôn. Ông Mai Văn Đâu - Đội trưởng Đội thi công cầu từ thiện xã hội huyện Lấp Vò (đã qua đời), cùng đội vừa vận động vừa thi công hàng trăm cây cầu. Sau khi ông Đâu qua đời, con ông là anh Mai Thanh Tùng tiếp nối việc làm ý nghĩa của cha, được mọi người tin yêu....

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã viết: “Với tình cảm cá nhân, tôi bày tỏ lòng tri ân về những đóng góp thầm lặng của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường các cấp trong tỉnh. Nhờ vào công sức của các cấp Hội, hình ảnh “qua sông thì phải lụy đò”, những con đường “nắng bụi, mưa bùn” dần được bớt đi, thay vào đó là những cây cầu vững chãi, những con đường làng trải rộng... Bằng uy tín của mình, các anh chị đã kết nối hiệu quả với các nhà tài trợ, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để mang về nguồn lực vô cùng to lớn... Tôi cũng bày tỏ lòng tri ân đến các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh, bà con Việt kiều, các đội thi công tình nguyện vì cộng đồng...”.

Theo ông Nguyễn Hải Quân, hiện toàn tỉnh còn 2.200 cầu nông thôn do xây dựng nhiều thời kỳ nên không đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu nên cần nâng cấp, mở rộng, nâng tải trọng hoặc xây mới. Hội sẽ phát huy kết quả thời gian qua, để ngày càng có nhiều nguồn tài trợ, sớm thực hiện nhiều công trình mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng nông thôn. Vì niềm vui cùng nhu cầu bức xúc của người dân nông thôn, vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của các địa phương với nghĩa cử cao đẹp của mạnh thường quân, nhà tài trợ, toàn thể cán bộ, hội viên Hội các cấp trong tỉnh tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức thực hiện tốt chương trình, mục tiêu xây dựng và phát triển giao thông nông thôn.

Từ khi thành lập (năm 2013) đến hết năm 2019, các cấp hội đã vận động xây 1.049 cây cầu, tổng chiều dài 27.799m với tổng giá trị đóng góp của mạnh thường quân trên 200 tỷ đồng, nhân dân địa phương trên 55 tỷ đồng, gần 233 ngàn ngày công lao động, hiến hơn 3.000m2 đất, vật phẩm khác quy ra tiền hơn 1 tỷ đồng (ngân sách địa phương đối ứng hơn 59 tỷ đồng); làm 326 công trình đường nông thôn với trên 525km, trong đó đóng góp của mạnh thường quân trên 6,7 tỷ đồng, nhân dân địa phương trên 60 tỷ đồng, gần 20 ngàn ngày công lao động, trên 192 ngàn m2 đất... (ngân sách địa phương đối ứng trên 230 tỷ đồng).

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn