Nông dân Đồng Tháp thu “quả ngọt” nhờ làm nông chuyên nghiệp và tử tế

Cập nhật ngày: 29/03/2020 06:42:37

ĐTO - Trước đây, trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng luôn được nông dân đặt lên hàng đầu thì hiện nay bà con nông dân tỉnh nhà chọn chất lượng làm đích đến. Chính lối tư duy “đi ngược” lại với lại số đông, bước đầu giúp nhà nông gặt hái được thành công trên hành trình làm giàu từ sản xuất nông nghiệp...


Sản phẩm ổi VietGAP tại Tổ hợp tác ổi Minh Thọ được tiêu thụ mạnh tại nhiều siêu thị lớn

Chinh phục người tiêu dùng nhờ canh tác theo hướng an toàn

Đối với nhiều bà con nông dân, việc “cách ly” cây trồng hoàn toàn với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong giai đoạn hiện nay là chuyện không dễ dàng. Vậy mà ngay tại TP.Cao Lãnh, một số nông dân trồng rau và canh tác xoài đang thực hiện tốt giải pháp từng bước hạn chế việc sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV trong sản xuất. Và chính sự thay đổi tư duy làm nông nghiệp giúp nông sản của bà con nông dân từng bước chiếm được lòng tin của doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng nội địa.

Nhận ra việc lạm dụng phân thuốc hóa học trong sản xuất ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và người trực tiếp sản xuất, năm 2019, hai thành viên của Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh tham gia “Dự án sản xuất rau hữu cơ theo mô hình của Tổ chức Seed to Table” của Nhật Bản. Để tham gia quy trình sản xuất này, rau được canh tác theo mô hình hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc BVTV. Thay vào đó, rau được bổ sung dinh dưỡng từ phân hữu cơ tự ủ và phòng trị bệnh bằng các chế phẩm sinh học được bào chế từ các thảo dược tự nhiên tại địa phương như: gừng, tỏi, ớt. Hiện nay, với diện tích sản xuất rau theo hướng hữu cơ khoảng trên 1.500m2, sản lượng trung bình khoảng trên 1 tấn rau/tháng nhưng vẫn không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại TP.Cao Lãnh. Hiện THT này cũng đang hướng tới mở rộng quy mô sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường.

Đang hì hục chuẩn bị làm đất gieo hạt cho những luống rau mới, anh Anh Bùi Ngọc Giàu - Tổ Trưởng THT sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân tự hào nói: “Do chỉ sử dụng phân hữu cơ tự ủ thay thế cho phân urê nên thân của từng cây rau tại THT khá cứng cáp, có màu xanh non chứ không phải xanh thẫm mơn mởn như rau được vun bón bằng phân hóa học. Sự khác biệt rõ rệt nhất là sau khi thu hoạch, rau vẫn giữ được độ tươi ngon thời gian khá lâu, không nhanh hỏng như rau được trồng bằng phân thuốc hóa học. Đây chính là điểm khác biệt mà người tiêu dùng cảm nhận rõ rệt nhất khi sử dụng rau sản xuất theo hướng hữu cơ tại THT”.

Cùng chung tâm lý lo lắng về việc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, năm 2017, nhà vườn Lê Thanh Tùng - thành viên THT xoài hữu cơ xã Tân Thuận Tây mạnh dạn thay đổi quy trình trồng xoài của mình, giảm dần tỷ lệ phân thuốc hóa học theo từng năm trong canh tác xoài.

Anh Lê Thanh Tùng chia sẻ: “Mấy mươi năm gắn bó với cây xoài, tôi bắt đầu cảm nhận rõ xoài nhà mình đang mất dần hương vị đậm đà vốn có như trước đây. Tôi ngẫm nghĩ, nguyên nhân dẫn đến thực tế trên chính là do kỹ thuật canh tác. Thời ông bà tôi không hề sử dụng phân bón hóa học, xoài ra hoa và đậu trái tự nhiên, còn bây giờ nhà vườn lại can thiệp quá nhiều phân thuốc để kích xoài ra hoa, đậu trái. Từ những trăn trở đó, năm 2017, tôi bắt đầu thay đổi cách canh tác xoài của mình, giảm lượng phân thuốc hóa học xuống còn 50%, thay vào đó tôi sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học. Hiện tại, tôi chỉ còn sử dụng khoảng 20% lượng phân thuốc hóa học vào những giai đoạn cần thiết. Khi giảm tỉ lệ sử dụng phân thuốc hóa học, năng suất xoài có giảm nhưng tôi nhận thấy sức khỏe của cây xoài phục hồi tốt hơn sau mỗi vụ mùa, chất lượng trái được cải thiện rất nhiều. Điều quan trọng nhất trong thay đổi quy trình canh tác chính là đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng”.

Những ngày qua, nhiều nông dân trồng xoài ở Đồng Tháp rơi vào tình trạng lao đao khi xoài bị ùn ứ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19, có nhiều thời điểm, xoài cát chu tại TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh chỉ còn 8 ngàn – 10 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên với việc sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, nhà vườn Lê Thanh Tùng vẫn được DN bao tiêu mức giá cố định là 24 ngàn đồng/kg.


Rau an toàn của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân được bán tại quầy rau an toàn tại chợ TP.Cao Lãnh

Thành công hơn nhờ sự chuyên nghiệp, tử tế

Hướng đến tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường, anh Nguyễn Hữu Minh -Tổ Trưởng THT ổi Minh Thọ, huyện Cao Lãnh đang là nhà cung cấp nhiều mặt hàng trái cây chủ lực của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại. Trung bình mỗi tháng, anh Minh cung cấp khoảng trên 60 tấn ổi, chanh, xoài vào các kênh phân phối này, với mức giá giá ổn định và cao hơn ngoài thị trường từ 10 – 15%. Với sản lượng và ổn định, mô hình kinh doanh của anh Nguyễn Hữu Minh góp phần giúp nhiều nông dân ở huyện Cao Lãnh có được đầu ra ổn định cho nông sản.

Với những thành công hiện có, ít biết rằng cách đây 7 năm, anh Nguyễn Hữu Minh cũng như bao người nông dân khác chỉ biết sản xuất rồi chờ thương lái đến thu mua. Tuy nhiên từ ngày chuyển hướng sang sản xuất theo hướng an toàn giúp anh Minh “bén duyên” hợp tác với các DN lớn. Từ chỗ làm ăn với DN, anh Minh bắt đầu học hỏi được tác phong làm việc chuyên nghiệp của họ và trở thành đối tác tin cậy của những DN bán lẻ lớn nhất, nhì Việt Nam hiện nay.

Anh Nguyễn Hữu Minh nhớ lại: “Nếu không thật sự kiên trì có lẽ hành trình trở thành một nhà cung cấp nông sản chuyên nghiệp cho các siêu thị của tôi đã đứt gãy nhiều năm về trước. Từ một nông dân sản xuất hướng đến làm nhà cung cấp là cả một hành trình tôi phải liên tục học hỏi và thay đổi. Còn nhớ mấy chuyến hàng đầu tiên giao cho siêu thị khiến tôi phải mất ăn, mất ngủ. Thời điểm đó, tôi chưa hiểu được hết những yêu cầu của siêu thị nên rất nhiều lần hàng vận chuyển đến TP.HCM nhưng phải ngậm ngùi mang trở về vì không đạt chuẩn. Chưa kể đến chuyện phải bồi thường hợp đồng do không đủ sản lượng như đã ký kết cũng là những nỗi ám ảnh lớn của tôi trong thời gian đầu làm “vai trò mới”. Sau những lần thất bại, tôi bắt đầu cầu thị và lắng nghe ý kiến, góp ý của các siêu thị nhiều hơn. Đóng góp nào hợp lý là tôi khắc phục liền, đồng thời tôi mở rộng mạng lưới tiêu thụ ở các chợ đầu mối song song với kênh siêu thị nhằm không phụ thuộc hoàn toàn vào một kênh duy nhất. Giải pháp này, giúp tôi có thể cân đối được nguồn hàng cung cấp cho siêu thị, giải quyết tốt sản lượng cho bà con nông dân khi rơi vào thời điểm chính vụ”.

Trong những buổi nói chuyện với nông dân tại các Hội quán, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan gửi gắm thông điệp, để làm giàu bền vững với nông nghiệp, đi đến con đường thành công, người nông dân cần hội tụ cả hai yếu tố là sự chuyên nghiệp và tử tế trong sản xuất...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn