Chủ động nguồn cung hàng hóa cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 27/03/2020 13:40:54

ĐTO - Nhằm chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, siêu thị, doanh nghiệp cung ứng sản xuất lương thực thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua buổi làm việc, các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp cho biết đã có công tác chuẩn bị và đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu với giá cả bình ổn cho người dân trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp đang lây lan tại nhiều nước.


Hiện nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm được các siêu thị chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng

Nguồn cung lương thực thực phẩm tại chỗ dồi dào

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, mặc dù từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặc hàng nông sản, thủy sản của tỉnh có bị rớt giá, nhưng tình hình sản xuất và chăn nuôi hiện nay vẫn rất ổn định. Trong đó, diện tích gieo trồng các loại cây chủ lực như: cây lúa, cây công nghiệp ngắn ngày vẫn thực hiện đúng kế hoạch của ngành nông nghiệp. Ước tính đến hết tháng 3/2020, toàn tỉnh xuống giống được 272 ngàn ha lúa, năng suất trung bình 7,4 tấn/ha. Đối với vụ lúa hè thu, hiện toàn tỉnh đã xuống giống được 72.381ha (đạt 40% kế hoạch). Cây hoa màu và công nghiệp ngắn ngày, hiện toàn tỉnh đã xuống giống trên 16 ngàn ha, tăng so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích trồng cây ăn trái hiện nay của toàn tỉnh là 31.765ha, tăng 2.765ha so với cùng kỳ năm 2019.

Tình hình chăn nuôi, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay tương đối ổn định. Ngành nông nghiệp tỉnh chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là tăng cường công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh Tháng tiêu độc sát trùng. Tính theo lũy kế đến hết tháng 3/2020, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh khoảng 2.241 con; bò 43.424 con; heo khoảng 170 ngàn con. Ngoài ra, có 5 tổ hợp tác với 26 thành viên chăn nuôi vịt theo hướng trứng an toàn sinh học với tổng đàn vịt khoảng 146.115 con, trong đó vịt đang đẻ trứng là 132.550 con với sản lượng trứng bình quân/đêm là 112.668 trứng.

Bên cạnh nguồn cung dồi dào từ sản xuất nông nghiệp tại chỗ, hiện tình hình sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh rất ổn định. Theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có khoảng 60 doanh nghiệp xuất nhập khẩu (xuất khẩu là 58, nhập khẩu là 20). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: gạo, thủy sản, may mặc, da giày, sản phẩm sau gạo...(gạo và thủy sản chiếm trên 85%)... Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: xăng dầu; nguyên liệu: may mặc, da giày, dược... Ước lượng tồn kho tại các doanh nghiệp thủy sản khoảng 30.000 tấn, gạo khoảng 100.000 tấn, bánh phồng tôm và sản phẩm sau gạo khoảng 1.000 tấn. Ngoài ra, với mạng lưới phủ khắp của 179 chợ truyền thống; 51 cửa hàng tiện lợi; 6 siêu thị tổng hợp, 3 siêu thị chuyên kinh doanh điện máy đảm bảo cung cấp đa dạng các chủng loại hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa

Để chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan ở nhiều nước, Sở Công Thương đề xuất 3 kịch bản về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân theo từng cấp độ để ứng phó với dịch. Theo đó, Sở Công Thương đề xuất giải pháp ứng phó trong trường hợp khi chưa có ca bệnh trên địa bàn tỉnh (tình huống 1); khi có ca bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới (tình huống 2); khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng (tình huống 3). Trong từng tình huống, Sở Công Thương xây dựng nhiều giải pháp phối hợp cùng các doanh nghiệp, nhà bán lẻ để cung ứng và phân bổ hàng hóa, nhu yếu phẩm bình ổn giá phục vụ nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, kiểm soát an toàn thực phẩm, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết...

Đại diện các siêu thị như: CoopMart, VinMart cho biết, hiện tại đã phối hợp với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu và sẽ cơ bản đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nhiều tháng tới. Các đơn vị cũng phối hợp với Sở Công Thương Đồng Tháp thực hiện nhiều chương trình bình ổn giá đối với nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện mua sắm cho người tiêu dùng, tránh tụ tập đông người như khuyến cáo của ngành y tế, các siêu thị, nhà bán lẻ đã đẩy mạnh phương thức bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà với cự ly xa cho khách hàng...

Nhằm chủ động chuẩn bị phương án ứng phó cho các diễn biến tiếp theo của dịch Covid-19, Sở Công Thương đã liên hệ với các doanh nghiệp chế biến lương thực, chế biến thủy sản, hợp tác xã sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh để có phương án sẵn sàng nguồn cung tại chỗ đáp ứng tốt cho nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, để công tác phòng, chống dịch được thực hiện hiệu quả thì rất cần có sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp và cả cộng đồng. Các đơn vị phải chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó với từng cấp độ của dịch Covid-19 và quyết tâm đánh thắng đại dịch này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành công thương, ngành nông nghiệp tỉnh cần xây dựng phương án sản xuất, chế biến và phân phối hàng hóa hiệu quả và hợp lý. Ngành nông nghiệp cần theo dõi sát tình hình sản xuất nhằm có những điều tiết sản xuất lương thực, thực phẩm hợp lý. Phó Chủ tịch cũng đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị đẩy mạnh thương mại điện tử và có phối hợp tốt với ngành nông nghiệp, ngành công thương tỉnh trong việc ưu tiên sử dụng nguồn lực và hàng hóa tại chỗ trong những tình huống khẩn cấp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, sử dụng nhu yếu phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn