Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng
Cập nhật ngày: 31/03/2020 06:35:23
ĐTO - Đang vào đợt cao điểm mùa khô nên tình hình nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Trước thực trạng này, các đơn vị, chủ rừng trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm ứng phó với “giặc lửa”, bảo vệ tài nguyên rừng.
Rừng có nhiều thực bì và các tạp chất khác tích lũy nhiều năm tạo thành một lớp thảm thực vật rất dễ cháy khi gặp nguồn lửa
Chú trọng công tác tuyên truyền
Khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười là 1 trong 5 khu vực được cảnh báo cháy cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Chính vì thế, ngay từ đầu năm, Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp triển khai quyết liệt các biện pháp PCCCR.
Theo ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp, Gò Tháp hiện có diện tích 290ha đất có rừng, với đặc điểm rừng tràm nằm trong khu di tích thường xuyên có khách đến tham quan nên nguy cơ cháy rất cao nếu không có sự ý thức của từng du khách. Nhận định được những khó khăn này, Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp luôn chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân, du khách bằng phương tiện loa tuyên truyền. Song song đó, đơn vị tích cực phối hợp với UBND xã Mỹ Hòa và xã Tân Kiều thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng; thực hiện trực 24/24 tại các chòi canh; bơm nước vào rừng giữ ẩm; dọn cỏ tại các ao lấy nước để chủ động phòng ngừa trường hợp có cháy xảy ra sẽ ứng phó kịp thời.
“Hiện lực lượng bảo vệ rừng tại đơn vị luân phiên trực 24/24 tại các điểm chòi canh tại rừng. Lực lượng này cũng thường xuyên tổ chức vận hành các máy bơm (3 máy bơm nước) và thiết bị chữa cháy nhằm đảm bảo xử lý kịp thời khi không may xảy ra cháy rừng” - ông Thái cho biết.
Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười cũng nằm trong 5 khu vực có dự báo cháy cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, hiện đơn vị cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp PCCCR. Ông Phạm Văn Minh - Đội phó Đội bảo vệ rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười chia sẻ, do đặc điểm của rừng tại đây là có các đơn vị chủ rừng khai thác nên ngoài giải pháp túc trực 24/24 tại các điểm có nguy cơ cháy cao, đơn vị còn đặc biệt chú trọng đến công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở các đơn vị khai thác rừng, đảm bảo khai thác an toàn, không để nhân công thiếu ý thức trong việc nấu ăn, hút thuốc trong rừng. Từ đó, ý thức bảo vệ rừng của các chủ rừng cũng được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Hội ngụ ấp 6B, xã Trường Xuân đến khai thác tại rừng Phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười hơn 7 năm nay cho biết, ông luôn tuân thủ theo sự hướng dẫn của Đội tuần tra bảo vệ rừng. Cụ thể, khi khai thác rừng đều báo cáo đến lực lượng bảo vệ rừng, đồng thời nhắc nhở công nhân không được hút thuốc, nấu ăn trong phạm vi rừng nhằm đảm bảo an toàn công tác PCCCR...
Quyết liệt triển khai các giải pháp PCCCR
Ngoài hai đơn vị rừng tại huyện Tháp Mười, hiện nay, các chủ rừng khác trên địa bàn tỉnh cũng quyết liệt triển khai các giải pháp PCCCR nhằm chủ động các biện pháp ứng phó khi có tình huống cháy xảy ra.
Rừng Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim năm nay tiếp tục tiếp nhận 60 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (vào tháng 3/2020) và bố trí tại các địa bàn trọng yếu để kết hợp công tác dã ngoại, tuyên truyền và tuần tra bảo vệ rừng tại các xã giáp VQG Tràm Chim. Ông Nguyễn Thế Hanh - Phó Giám đốc VQG Tràm Chim thông tin, bên cạnh việc tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ tuần tra, dã ngoại tuyên truyền công tác PCCCR, đơn vị cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”. Cụ thể, Ban quản lý rừng phân công cán bộ tổ chức trực PCCCR tại 21 trạm và 1 lều trại, 7 đài quan sát, đảm bảo trực 24/24 trong các tháng cao điểm mùa khô để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu cháy. Theo ông Nguyễn Thế Hanh, việc chú trọng công tác ứng phó tại chỗ nhằm chủ động kịp thời ứng phó và dập lửa, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ông Nguyễn Tấn Thành – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp cho biết, tuy sự sẵn sàng, tích cực, chủ động của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh được đề cao nhưng các địa phương, đơn vị phải tăng cường quyết liệt các biện pháp PCCCR trong giai đoạn này. Bởi vì, theo dự báo, mùa khô năm nay sẽ còn gay gắt và diễn biến khó lường, nắng nóng diễn ra liên tục, gay gắt với nhiệt độ 36-37 độ C (nhiệt độ cao nhất trong tháng 4 và tháng 5/2020), nguy cơ cháy vào thời điểm này rất cao.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, các biện pháp mà địa phương, đơn vị cần chú trọng là tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tập trung tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập trái phép vào rừng, gây cháy rừng. Phối hợp với UBND các xã có rừng và các hộ dân sản xuất nông nghiệp ven rừng thống nhất lịch đốt vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch lúa; chuẩn bị lực lượng, máy móc thiết bị ứng trực sẵn sàng để xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng cháy lan vào rừng. Riêng chủ rừng có tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái phải phân công người hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa khi đưa khách vào rừng tham quan. Các chủ rừng có tổ chức khai thác rừng trong mùa khô phải quản lý chặt chẽ người ra vào rừng và việc sử dụng lửa trong, ven rừng...
Toàn tỉnh hiện có gần 12.500ha rừng và đất lâm nghiệp, với diện tích đất có rừng trên 6.000ha, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, phân bố ở 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh. Trong đó, riêng diện tích rừng trồng sản xuất trên 3.700ha với loại cây trồng chủ lực là tràm và bạch đằng. Đây là những loại cây có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa cháy nếu cháy xảy ra trên diện rộng với thời tiết hanh khô và gió lớn.
Trong giai đoạn cao điểm mùa khô hiện nay, Đồng Tháp có 5 khu vực ở mức dự báo cháy cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan nhanh, tập trung ở các khu vực: Rừng phòng hộ biên giới; Gò Cát, Gò Trâu, Lau Vôi, Gò Tre thuộc khu A1 Vườn Quốc gia Tràm Chim; Trại Động Cát; khu vực kênh Hội Kỳ Nhất thuộc rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười và phía sau Khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười.
|
MN