Hàng hóa “Made in Viet Nam” dần chiếm lĩnh thị trường

Cập nhật ngày: 13/06/2019 12:05:42

ĐTO - Qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tâm lý lựa chọn hàng tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng theo hướng ưu tiên hàng nội địa.


Các phiên chợ, hội chợ là cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng

Có được kết quả trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, phát triển thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ... tạo chuyển biến tốt trong việc sản xuất, kinh doanh.

Vị thế hàng Việt dần thay đổi

Giai đoạn đầu, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) gặp nhiều khó khăn do tâm lý người tiêu dùng sính ngoại và sử dụng hàng giá rẻ. Người dân thiếu thông tin về hàng Việt nên việc thay đổi thói quen gặp rất nhiều khó khăn.

Qua 10 năm, bằng sự quyết tâm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được trên 34.650 buổi, với hơn 1,3 triệu lượt người tham dự. Sở Công Thương Đồng Tháp triển khai nhiều hoạt động bán hàng Việt khuyến mãi, được các DN nhiệt tình tham gia, hưởng ứng, có hơn 76.100 lượt DN tham gia với tổng giá trị hàng khuyến mãi 332.060 tỷ đồng. Sở Công Thương Đồng Tháp đã xác nhận 96 đợt cho các đơn vị tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn, với sự tham gia của trên 6.000 DN, hơn 12.000 gian hàng.

Bên cạnh đó, ngành công thương đã hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn thực hiện các dự án mô hình trình diễn sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới và đề án máy móc thiết bị mới vào sản xuất. Ngoài ra, từ các kinh phí khuyến công cũng hỗ trợ DN trong việc đổi mới máy móc, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường...

Điều phấn khởi đối với hàng hóa của Đồng Tháp đó là chất lượng ngày càng nâng cao và đứng vững trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Từ năm 2008-2018, tỉnh có 5 DN, cơ sở có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia; 28 DN, cơ sở có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; 95 DN và cơ sở có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Năm 2018, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco nhận Giải Vàng chất lượng Quốc gia, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hòa Hưng nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Là đơn vị chuyên sản xuất thực phẩm, nhiều năm qua, Cơ sở Muối sấy Ngọc Yến (huyện Thanh Bình) đã luôn đề cao việc phát huy vai trò của DN trong việc tham gia thực hiện Cuộc vận động. Ông Huỳnh Văn Bé - chủ Cơ sở Muối sấy Ngọc Yến cho biết: “Cuộc vận động có ý nghĩa rất lớn đối với DN như chúng tôi. Qua Cuộc vận động đã tạo điều kiện cho các DN giới thiệu sản phẩm; người tiêu dùng biết đến được giá trị sản phẩm của người Việt làm ra đạt chất lượng, mẫu mã đẹp. Đối với tôi, ưu tiên hàng đầu trong sản xuất hàng hóa ngoài mẫu mã đẹp phải chú trọng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy, người Việt sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt”.

Những năm qua, Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh đã làm tốt việc kinh doanh hàng Việt. Đại diện lãnh đạo Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh cho biết: “Cuộc vận động đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong tâm lý người tiêu dùng. Thành quả này là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của ngành công thương và các DN. Đến nay, hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh có hơn 95% là xuất xứ trong nước, bao gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng và may mặc. Đặc biệt, đơn vị chú trọng tổ chức nhiều chương trình kích cầu nhằm đẩy mạnh hơn nữa hàng Việt đến người tiêu dùng, đồng thời tăng cường các chính sách cho DN sản xuất trong nước”.

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, ngành công thương không ngừng phối hợp với các ban, ngành triển khai sâu rộng Cuộc vận động nhằm quảng bá rộng rãi các mặt hàng của Việt Nam. Để đảm bảo tính cạnh tranh, đơn vị cũng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên các mặt hàng, giá cả, nguồn gốc, chống hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều quan trọng hơn hết, các DN cũng ý thức trong việc thể hiện vai trò, trách nhiệm với người tiêu dùng, nhận biết tiềm năng của thị trường nội địa nên mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phù hợp...”.

Ông Nguyễn Tôn Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu, thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị, DN đã có cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, tích cực động viên được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia Cuộc vận động và đã thu được một số kết quả tích cực. Các DN ngày càng ý thức được ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xem đây là “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Các DN đã có sự nỗ lực vươn lên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và bán sản phẩm với giá cả hợp lý để dần dần khẳng định thương hiệu của các mặt hàng Việt trên thị trường, đem lại cơ hội sản xuất, kinh doanh tại thị trường trong và ngoài nước.

Để hàng Việt vượt qua sức ép từ thị trường

Để góp phần cho hàng Việt tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong nước, ông Lê Tấn Sang - Giám đốc Công ty TNHH TM DV Tấn Sang (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Thời gian tới, công ty sẽ không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, xây dựng danh mục sản phẩm đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Tiếp tục tham gia các cuộc hội chợ, xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu đến người dân trong và ngoài tỉnh”.

Có thể thấy, qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động đã giúp hàng Việt Nam từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã có nhiều kế hoạch, chiến lược dài hạn để hàng Việt vươn xa hơn. Một trong những chương trình quan trọng đó là Chắp cánh hàng Việt do Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh triển khai.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới, khi tổ chức chương trình Chắp cánh hàng Việt, chúng tôi sẽ tập trung vào nhóm hàng rau, củ, quả, trái cây, thủy sản, hải sản, bởi đây là nhóm hàng có nhu cầu tiêu dùng nhiều, thường xuyên và ổn định. Vì vậy, các sản phẩm tham gia chương trình phải đáp ứng tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, Organic; truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đóng gói bao bì...

“Là địa phương có thế mạnh về các loại nông sản, Đồng Tháp là đơn vị tiềm năng cung ứng sản phẩm cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Cụ thể là sẽ phát tín hiệu thị trường, cam kết số lượng thu mua, làm cơ sở để các đơn vị sản xuất và cung ứng sản phẩm. Các hệ thống phân phối hiện đại sẽ chỉ nhận bán những sản phẩm đạt chuẩn” - ông Hòa nói thêm.

Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cùng với đó, sẽ thường xuyên là đầu mối hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh cung ứng hàng hóa cho các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống trong và ngoài tỉnh. Quan trọng hơn hết, để tạo sức cạnh tranh cho DN, ngành công thương sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất kinh doanh cho các DN, cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm...”.

Để đưa nông sản Đồng Tháp đến với người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ngày càng nhiều hơn, ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Ngành nông nghiệp cùng với các ngành liên quan sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng hạ chi phí, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường liên kết, đẩy mạnh chế biến; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để quản lý và truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật và kiến thức về khoa học kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản...”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn