Khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Cập nhật ngày: 17/01/2019 10:01:21
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, tỉnh Đồng Tháp xác định khoa học công nghệ là nhiệm vụ hàng đầu phục vụ sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn.
Sử dụng hoa kiểng cấy mô giúp sản phẩm đạt chất lượng, ít sâu bệnh. Ảnh Khánh Duy
Để thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả, tỉnh ban hành những văn bản quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) để khuyến khích phát triển, nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ ưu tiên cho phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, vùng sâu vùng khó khăn. Đặc biệt là tập trung cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo đó, đề án đã xác định những luận cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất mô hình nông nghiệp hiệu quả giúp ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cao. Đồng thời giúp tỉnh định hướng phân bổ lại lực lượng lao động nông thôn. Một trong những luận cứ khoa học là lấy KH&CN và đổi mới quan hệ sản xuất làm động lực cho sự tăng trưởng; huy động tài nguyên con người để tăng thu nhập, phát triển nông thôn mới...
Thời gian qua, với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, KH&CN đã đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã triển khai 79 đề tài, dự án, trong đó có 46 đề tài, dự án phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 43%. Trong giai đoạn này, tỉnh tổ chức nghiệm thu 92 đề tài, dự án và có 37 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tất cả các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sau quá trình triển khai, nghiệm thu đã bàn giao sản phẩm nghiên cứu đến cơ quan chuyên ngành nhằm phổ biến, áp dụng vào thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Cây ăn trái - sản phẩm thế mạnh của tỉnh từng bước chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Ảnh Khánh Duy
Từ những kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tỉnh. Cụ thể, từ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện thường xuyên, tỉ lệ cơ giới hóa trong quy trình sản xuất nông nghiệp tăng lên; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được quan tâm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Khi áp dụng KH&CN vào sản xuất giúp cho đời sống người dân, thu nhập từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp gắn kết với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần dân cư nông thôn được nâng cao đáng kể, môi trường nông thôn được quan tâm bảo vệ được xem là yếu tố phát triển nông thôn một cách bền vững.
Không chỉ vậy, thời gian qua, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội nông thôn từng bước được cải thiện, nâng cấp. Các công trình giao thông nông thôn được đầu tư nhiều hơn, thủy lợi cơ bản được đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã phát huy tính sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN trong tỉnh, thế mạnh chuyên môn của viện, trường ngoài tỉnh, phù hợp với mục tiêu, định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của tỉnh Đồng Tháp. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, phục vụ thiết thực và có hiệu quả cho đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế; Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu chuyển giao ứng dụng của địa phương, nhất là các nội dung thuộc lĩnh vực trồng trọt, thủy sản.
Đạt được những kết quả như trên là do hoạt động KH&CN đã được triển khai theo đúng tiến độ đề ra (đặc biệt là các đề tài, dự án), ứng dụng kịp thời trong sản xuất, đời sống. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu KH&CN xuất phát từ nhu cầu thực tế và được xét duyệt ngay bước đầu xét duyệt nội dung có sự tham gia và đồng thuận của ngành chuyên môn trước khi triển khai thực hiện. Do vậy, khi tiếp nhận kết quả để triển khai ứng dụng vào thực tế đã mang lại hiệu ứng tích cực.
Nhiều kết quả nghiên cứu về giống mới, kỹ thuật canh tác mới phù hợp với điều kiện sản xuất, mô hình ứng dụng đã làm gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với vai trò của sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích), nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm. Nhất là các hàng hóa nông sản đặc thù của tỉnh; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Nông dân tham quan, lựa chọn các giống lúa mới. Ảnh Khánh Duy
Việc áp dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong canh tác, phù hợp với tình hình sản xuất hiện đại. Thông qua đó, bà con chủ động hơn trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
KH&CN thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đã đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu... phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân.
LÊ MINH HÙNG