Kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển
Cập nhật ngày: 11/01/2019 16:13:33
Năm 2018, kinh tế tỉnh nhà phát triển khá tốt khi tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,92%. Trong đó điểm nhấn là lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng và lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản, gạo của tỉnh vượt mốc 1 tỷ USD.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc tham quan các gian hàng sản phẩm khởi nghiệp tại hội chợ
Nông nghiệp tăng trưởng mạnh
Theo ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm qua, ngành nông nghiệp triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Từ đó giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất từ 600 - 1.500 đồng/kg (tùy từng loại nông sản). Qua đó đưa tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 5,65% so với năm 2017.
Ngoài ra, tỉnh còn ban hành sách khuyến khích sản xuất tập trung và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Qua đó, giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 - 480 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng đơn vị diện tích.
Nhận diện được bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà chưa hoàn thiện, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nổi bật là Đồng Tháp đã ký kết hợp tác phát triển ngành hàng xoài với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; kêu gọi Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp (Ecofarm) đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch với quy mô 10ha, tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng.
Việc đưa vào hoạt động Nhà máy thức ăn chăn nuôi Mavin Austfeed Đồng Tháp tại Cụm công nghiệp An Nhơn - Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành; phối hợp với Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ thành lập Khu công nghiệp chế biến rau, củ, quả tại huyện Lấp Vò sẽ là bước đệm cho nông nghiệp tỉnh nhà phát triển. Năm 2018, sản xuất công nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, hạ tầng công nghiệp được tập trung đầu tư. Một số doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Năm 2018, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt mốc 1 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Theo ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh, sau nhiều năm nỗ lực cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh tạo dựng hình ảnh địa phương, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp. Nhằm đồng hành cùng DN, tỉnh nỗ lực tạo lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin, duy trì tổ chức họp mặt DN định kỳ để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong quá trình hoạt động. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã kêu gọi, tiếp và làm việc với nhiều đoàn DN trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Qua đó đã chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 24 dự án với tổng vốn đăng ký 1.751 tỷ đồng.
Từ những kết quả đạt được, dự báo những thuận lợi và khó khăn, năm 2019, tỉnh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,5%; GRDP/người đạt 44 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 24% so với GRDP. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, UBND tỉnh chọn 3 nhiệm vụ trọng tâm, 8 giải pháp để tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư và hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao.
Liên kết sản xuất là xu thế tất yếu
Trên bình diện chung, nông nghiệp là cứu cánh của nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ được xem là xu thế tất yếu đối với sản xuất hiện nay. Để việc liên kết giữa DN và nông dân thuận lợi, hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tỉnh năm 2018 còn có sự tham dự, trao đổi của các công ty, hợp tác xã, hội quán nông dân.
Theo Công ty Lương thực Đồng Tháp, đơn vị đã đồng hành liên kết tiêu thụ với nông dân tỉnh nhà từ những năm 2004 đến nay với diện tích bao tiêu gần 7.800ha, thu mua thực tế đạt trên 38.500 tấn lúa tươi. Bên cạnh việc thu mua theo hợp đồng liên kết, DN còn tổ chức thu mua lúa gạo tại kho với số lượng bình quân 200.000 tấn gạo/năm, tương đương 400.000 tấn lúa. Theo công ty thông tin, trong năm 2019, đơn vị sẽ thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ với nông dân là 1.700ha với sản lượng tương ứng là 10.200 tấn.
Sử dụng phân bón thông minh trong canh tác lúa giúp nông dân giảm chi phí
Ông Phan Phú Cường – Phó Giám đốc Công ty Long Uyên cho biết, năm 2018, DN thu mua 4.000 tấn xoài. Để việc liên kết tiêu thụ giữa DN và người trồng xoài được thuận lợi, công ty đề nghị nhà vườn cần tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm và thực hiện việc ghi chép sổ sách nhằm truy xuất được nguồn gốc. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề nghị hợp tác xã thực hiện dịch vụ thu gom sản phẩm, nhằm giảm áp lực đối với DN ở xa trong khâu thu mua.
Tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tỉnh năm 2018, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đề xuất việc xây dựng hiệp hội cho các ngành hàng để giúp các sản phẩm nông nghiệp phát triển. Trong đó, hiệp hội ngành hàng này có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, DN, các hợp tác xã cùng ngồi lại, thông tin với nhau. Từ cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đảm nhận vai trò xây dựng chiến lược cho ngành hàng trong từng mùa vụ, tiến tới là từng giai đoạn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 là hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư. Đồng thời phát triển lực lượng khởi nghiệp theo chiều rộng lẫn chiều sâu, lấy tri thức sáng tạo khoa học làm động lực phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi sự quan tâm của ngành chuyên môn, các DN dẫn đầu hỗ trợ.
Nhằm đạt được chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2019, Chủ tịch Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Theo đó, trong công tác quản lý điều hành, thủ trưởng cần là các “huấn luyện viên”, bố trí đúng người, đúng việc, hợp lý trong công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, các bộ, công chức cần năng động, sáng tạo trong công việc của mình.
Y DU