Nông dân thủ phủ quýt hồng Lai Vung “chạy đua” với Tết

Cập nhật ngày: 10/01/2019 11:15:33

ĐTO - Thời điểm này, các nhà vườn trồng quýt hồng Lai Vung đang “chạy nước rút” trong khâu chăm sóc quýt để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ bệnh vàng lá, chết xanh nên nhiều diện tích quýt hồng bị ảnh hưởng khiến nông dân lo lắng.


Nông dân chuẩn bị quýt hồng lên chậu để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán

Quýt hồng Tết giảm năng suất

Những ngày này, về vùng chuyên canh trồng quýt hồng thuộc huyện Lai Vung, trái hẳn với niềm phấn khởi trong vụ quýt Tết năm trước, năm nay, nhiều nhà vườn không vui vì năng suất quýt giảm mạnh. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, vụ quýt Tết 2019, toàn huyện dự kiến cung ứng khoảng 23.000 tấn, giảm hơn 10.000 tấn so với các năm trước.

Là người chuyên trồng quýt hồng nhiều năm qua, ông Nguyễn Thanh Thoại ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung nhuần nhuyễn với những kỹ thuật xử lí ra hoa, tạo trái đúng thời điểm để cung ứng cho thị trường Tết. Thế nhưng, vụ quýt Tết năm nay ông Thoại lo lắng vì bệnh vàng lá chết xanh khiến cây bị suy kiệt và lượng quýt hồng đúng thời điểm Tết là rất ít.

Xót lòng lượm từng trái quýt chín rụng nằm quanh gốc, ông Thoại buồn bã nói: “Khoảng một tháng trở lại đây, mỗi ngày gia đình tôi lượm từ 10kg quýt rụng để bán theo dạng quýt dạt cho thương lái với giá 6.000 – 10.000 đồng/kg. Trong khi đó quýt còn nguyên, đẹp được thương lái tìm mua với giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg và giá đang tăng dần khi Tết cận kề”.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, nếu quýt phát triển bình thường, ước tính 7 công quýt hồng của gia đình sẽ thu hoạch khoảng 20 tấn trái bán vào dịp Tết. Nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng nên hiện chỉ còn khoảng 5 - 7 tấn, giảm hơn 50% sản lượng. Năm nay, nếu tính theo giá quýt khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg thì gia đình tôi mất khoảng 150 triệu đồng.

Nhiều nhà vườn ở xã Long Hậu cho biết, năm trước cũng xảy ra tình trạng quýt bị ảnh hưởng bệnh nên rụng trái nhưng tỷ lệ chỉ khoảng 20%, năm nay thì tình hình khó khăn hơn nhiều, có vườn giảm trên 80% năng suất. Ông Huỳnh Hùng Việt ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu than thở: “Gia đình tôi canh tác hơn 4 công quýt hồng, đây là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Năm nay, quýt hồng bị chết cây và suy kiệt, mặt khác do bệnh đốm trái nhiều hơn so các năm qua khiến trái quýt chuyển màu và chín sớm nên sản lượng quýt hồng thu hoạch và bán trước Tết khá nhiều”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Quyền Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, huyện đang triển khai các giải pháp để xử lý, khắc phục tình hình dịch bệnh trên cây có múi và có chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại do dịch bệnh để cải thiện lại mảnh vườn, sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt, huyện cùng các ngành, địa phương sẽ tổ chức nhiều hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm giúp nông dân nắm rõ cách phòng, trừ bệnh vàng lá, thối rễ. Bên cạnh đó, để khôi phục lại đặc sản thương hiệu của huyện, huyện đang kết hợp với các viện, trường, nhà khoa học thực hiện mô hình canh tác quýt khép kín từ khâu giống đến phân bón... Ngoài ra, huyện chỉ đạo các ngành liên quan, hợp tác xã cùng liên kết với Viện Cây ăn quả miền Nam để cung ứng giống sạch bệnh cho nông dân.

Vực dậy từ thế mạnh du lịch và quýt trồng chậu

Dù dịch bệnh khiến diện tích quýt hồng bị thu hẹp dần, tuy nhiên, vòng quanh các xã: Long Hậu, Long Thành, Tân Phước... không khí rất khẩn trương khi nông dân đang chỉnh trang lại các điểm du lịch để đón du khách.

Theo UBND huyện Lai Vung, dịp Tết Nguyên đán 2019 năm nay, toàn huyện sẽ có 6 – 7 điểm tham quan du lịch sinh thái. Chuẩn bị cho dịp Tết, các ngành liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra từng điểm tham quan thực hiện tốt quy định của Nhà nước về du lịch, nhất là lĩnh vực kinh doanh, giá cả, chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường... Huyện cũng ban hành tiêu chuẩn của điểm tham quan để thống nhất trong thẩm định cấp phép hoạt động. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết nhiều mảnh vườn nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách tham quan.

Vào dịp Tết năm nay, du khách đến đây sẽ hòa mình với thiên nhiên, đắm say với những vườn quýt, cam bạt ngàn. Theo ông Trần Bá Chuốt - chủ vườn tham quan cam, quýt Bá Chuốt thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành: “Đến điểm tham quan Bá Chuốt năm nay, du khách sẽ được tự do tham quan, chụp ảnh, hái trái và cân ký trả tiền theo thời giá. Khi vào tham quan, du khách được phục vụ nước suối, nước cam miễn phí...”.

Còn theo ông Đoàn Anh Kiệt – chủ điểm tham quan vườn quýt hồng Hai Kiệt thuộc ấp Long Khánh A, xã Long Hậu: “Những năm qua, để bổ túc thêm kiến thức về du lịch, tôi đã tham gia nhiều lớp tập huấn từ tỉnh, huyện. Năm nay khi tham quan tại đây, du khách được chiêu đãi quýt hồng dùng thoải mái. Đặc biệt, tôi còn dành riêng một diện tích quýt hồng để du khách lựa mua và tự cầm kéo cắt. Ngoài ra, để chụp ảnh cạnh vườn quýt hồng say trái, du khách còn được dùng khăn, áo bà ba, nón lá...”.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, du khách đến Lai Vung còn có những giây phút thư giãn tuyệt vời khi được cùng ăn, cùng ở với người dân qua dịch vụ homestay trong “Ngôi nhà Quýt”, đặc biệt là thưởng thức những món ăn đậm chất bản địa của Lai Vung theo đúng nghĩa “du lịch thực dưỡng”. Dự kiến, giá vé vào thăm vườn quýt năm nay khoảng 40.000 – 50.000/người, giảm hơn so với năm ngoái vì lượng quýt không còn nhiều. Vài nhà vườn không tính tiền vé mà tính vào giá quýt (theo giá bán lẻ của thị trường) cho khách tham quan.

Bên cạnh nhà vườn làm du lịch, từ lâu, việc trồng quýt hồng trong chậu kiểng phục vụ Tết là mô hình đổi mới tư duy trồng cây nông sản trong chậu kiểng phục vụ thị trường Tết của nhà nông ở huyện Lai Vung. Là người khởi xướng phong trào này, ông Lưu Văn Ràng - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng quýt chậu của xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung đang chuẩn bị cung ứng ra thị trường khoảng 80 chậu quýt hồng.


Ông Lưu Văn Ràng sửa sang lại vườn chuẩn bị đón du khách tham quan dịp Tết Nguyên đán

Theo ông Ràng, dù quýt hồng trong chậu năm nay khan hiếm nhưng ông không thay đổi giá, tùy theo chậu quýt có trái to hay nhỏ, đẹp hay xấu mà giá bán dao động từ 2 - 8 triệu đồng. Chậu cây quýt to, trái sai và đẹp có thể lên đến 10 triệu đồng. Để trồng được quýt hồng kiểng phải chuẩn bị trồng cây con hơn 3 năm. Sau đó, nhà vườn chọn cây quýt phát triển chuyển vào chậu. Về kỹ thuật chiết cành, nuôi dưỡng cây quýt trên liếp đất rồi cho vào chậu xử lý ra bông như những năm trước. Để bảo vệ trái quýt không bị rụng, ngoài việc che màng phủ, ông Ràng cho người đào hố rồi đưa chậu quýt âm xuống đất. Cách này giúp cây giữ ẩm tốt và nguồn dinh dưỡng cho cây cũng nhiều hơn, cây cho trái to, màu sắc đẹp.

Cũng là người có thâm niên theo nghề trồng quýt hồng trong chậu, ông Lưu Văn Khiêm – Chủ vườn quýt hồng Bảy Khiêm thuộc xã Vĩnh Thới đang chuẩn bị kỹ lưỡng từng khâu để cung ứng khoảng 70 chậu ra thị trường. Ông Khiêm cho biết: “Trồng quýt hồng kiểng rất vất vả vì kỹ thuật phức tạp so với trồng quýt hồng trong điều kiện bình thường. Đòi hỏi người trồng phải có tay nghề cao, tính nhẫn nại, chuyên cần. Vì vậy, dù quýt kiểng giá cao và luôn hút hàng nhưng số lượng trồng lại rất hạn chế. Tất cả số lượng chậu quýt của tôi dịp Tết này đã được các cơ quan, công ty đặt mua hết”.

Để duy trì, phát triển mô hình du lịch trải nghiệm gắn với phát triển vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện, ông Đặng Thành Được – Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung đề nghị, thời gian tới, các ngành hữu quan cấp tỉnh cần có nhiều chính sách hỗ trợ địa phương và người dân tham gia hoạt động du lịch nói chung, huyện Lai Vung nói riêng như: quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho Lai Vung về phát triển du lịch; tổ chức Tuần lễ du lịch đẩy mạnh quảng bá. Đồng thời, tỉnh cần sớm xúc tiến việc xây dựng trạm dừng chân của huyện, tạo điều kiện thuận lợi quảng bá các sản phẩm du lịch Lai Vung...

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, thời gian qua, dịch bệnh vàng lá thối rễ làm ảnh hưởng đến tình hình khai thác du lịch của nhiều nhà vườn. Vì vậy, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán năm nay, huyện tiến hành nhiều cuộc khảo sát tại các điểm tham quan, du lịch nhằm kiểm tra điều kiện hoạt động của từng vườn. Với những vườn không đủ điều kiện hoạt động, địa phương sẽ vận động tạm ngưng để chỉnh trang. Bên cạnh đó, huyện sẽ có hướng hỗ trợ cho người dân để sớm khôi phục lại các điểm du lịch. Trong đó sẽ điều chỉnh lại các điều kiện giúp người dân dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ và cho vay đối với những hộ tham gia hoạt động phát triển du lịch. Về loại hình quýt hồng lên chậu, huyện sẽ khuyến khích nông dân phát triển và có những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho các hộ trồng để góp phần nâng cao hiệu quả thương hiệu quýt hồng Lai Vung.

Dù dịch bệnh đang hoành hành gây nhiều khó khăn cho thủ phủ quýt hồng Lai Vung. Tuy nhiên, nông dân nơi đây vẫn luôn nuôi hi vọng mưa thuận, gió hòa mang về vụ mùa bội thu để đón cái Tết đủ đầy.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn