Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Cập nhật ngày: 14/01/2019 16:15:40
Những năm gần đây, các hoạt động khởi nghiệp được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước, qua đó xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp hay, hoạt động có hiệu quả.
Dự án khởi nghiệp của Đồng Tháp tham gia trưng bày - kết nối tại Ngày hội khởi nghiệp
Vừa qua, tại tỉnh An Giang diễn ra hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề “Chia sẻ nguồn lực - kết nối thông tin” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Tổ Công tác 569 thuộc Ủy ban dân tộc và Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức. Đây là dịp để 34 dự án mô hình trưng bày, cùng các bạn khởi nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long gặp gỡ, kết nối, tìm hiểu kiến thức và chính sách mới từ các chuyên gia, nhà tư vấn ở các tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) Mekong về tham dự.
Hội thảo nhằm mục tiêu tạo môi trường kết nối các thanh niên, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ cùng nhau trao đổi định hướng khởi nghiệp, kinh nghiệm lập nghiệp, chia sẻ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, tiếp cận thị trường. Chương trình còn tạo cơ hội giới thiệu, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các mô hình khởi nghiệp tăng trưởng bền vững, các chuyên gia, DN dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khác nhằm liên kết, thỏa thuận hợp tác để mở rộng Hệ sinh thái khởi nghiệp trong, ngoài nước và ký kết hợp tác hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp.
Tại hội thảo, TS.Hà Việt Quân - Tổ trưởng Tổ công tác 569 của Ủy ban dân tộc chia sẻ về các chính sách hỗ trợ dành cho các startup. Trong đó, nhấn mạnh đến việc Đề án 844 của Chính phủ, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã có những hoạt động khuyến khích startup giải quyết thách thức xã hội thông qua đổi mới sáng tạo. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến khởi nghiệp như: kinh nghiệm tổ chức hoạt động và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp tại các địa phương trong cả nước; kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng từ tài nguyên bản địa; kinh nghiệm hoạt động của các nhà cố vấn và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp; kết nối đầu ra cho sản phẩm; kinh nghiệm gặp gỡ nhà đầu tư và gọi vốn cho dự án khởi nghiệp, thương mại hóa sản phẩm và ứng dụng công nghệ số...
Chuyên gia Dương Đức Minh (giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.CHM) chia sẻ về chủ đề “Giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển du lịch vùng Nam bộ”. Theo chuyên gia Đức Minh, du lịch hiện đang được xem như một chìa khóa cho sự phát triển kinh tế. Các tỉnh, thành ở Việt Nam đang hưởng ứng về việc quy hoạch du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức các hội thảo, định hướng liên kết để phát triển du lịch...
Với nguồn tài nguyên du lịch tại Việt Nam cực kỳ đa dạng và đặc sắc, riêng khu vực Nam bộ, hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng và hấp dẫn với điểm nhấn nổi bật là du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng...)... Vì vậy, việc liên kết ngành, liên kết vùng dựa vào thế mạnh tài nguyên bản địa sẽ giúp nâng cấp chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Đơn cử như ở Đồng Tháp là một điển hình. Tại Đồng Tháp, cây sen là tâm điểm của truyền thông du lịch ở Đồng Tháp. Những người làm du lịch ở đây hiện thực hóa chuỗi hình ảnh, sản phẩm có dấu ấn riêng của Đồng Tháp. Trong khi đó, người nông dân tại Đồng Tháp dần được nâng cao năng lực phục vụ du khách: thuyết minh, cung ứng dịch vụ ẩm thực, tổ chức tham quan... Từ đó, Đồng Tháp đã khiến cây sen “chuyển mình” một cách mạnh mẽ và ngành du lịch dựa vào đó để phát triển.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân các startup phải tích cực tham gia vào các hoạt động trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tìm bạn đồng hành sáng lập dự án; tìm hiểu và tối ưu hóa mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo cho dự án; tìm kiếm mentor (người cố vấn) định hướng và đầu tư cùng dự án.
Trải qua 6 năm tổ chức các hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ” cho nhiều địa phương trên cả nước, chương trình Sáng tạo khởi nghiệp SKC của BSA đã phát hiện và xây dựng nhiều mô hình khởi nghiệp hay, hoạt động hiệu quả. Trong đó, nhiều mô hình khởi sự kinh doanh bằng tài nguyên bản địa của thanh niên được hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp và đạt kết quả tốt.
Nguyệt Đỗ