Liên kết sản xuất giúp nông nghiệp xã Phong Hòa đột phá

Cập nhật ngày: 16/07/2020 10:46:51

ĐTO - Thời gian qua, với những giải pháp mang tính đột phá trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết… giúp nền nông nghiệp của xã Phong Hòa (huyện Lai Vung) có nhiều khởi sắc. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân địa phương.


Nhãn Ido mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân ở xã Phong Hòa

Kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực

Từ năm 2010 – 2012, việc trồng trọt của nông dân xã Phong Hòa vẫn còn phát triển theo kiểu tự phát, phong trào, chưa định hướng thị trường. Trước thực trạng đó, nhằm giúp nông dân phát huy được lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, năm 2013, UBND xã Phong Hòa bắt đầu tiến hành khảo sát, phân tích những ưu, khuyết điểm và tính triển vọng của từng loại cây trồng để thực hiện quy hoạch Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Sau thời gian nghiên cứu, UBND xã Phong Hòa lựa chọn 5 nhóm loại cây trồng có triển vọng kinh tế cao để đưa vào Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của xã là: thanh long ruột đỏ, cây có múi, mận, nhãn và cây lúa.

Mặc dù được xem là những loại cây trồng có triển vọng phát triển, nhưng để nông dân phát huy được hết những lợi thế của các nhóm cây trồng này không phải là chuyện dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hòa nhớ lại, một trong những điều hạn chế nhất của nông dân thời điểm đó chính là việc lạm dụng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, dẫn đến tình trạng chi phí sản xuất cao mà chất lượng sản phẩm vẫn chưa đạt yêu cầu, gây khó khăn cho việc kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp (DN) lớn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ bấp bênh cũng là trở ngại lớn mà người nông dân đang phải đối mặt.

Từ những khó khăn, hạn chế trên, Hội Nông dân xã mạnh dạn tham mưu với Đảng ủy, phối hợp với UBND xã tuyên truyền vận động, tập hợp nông dân sản xuất theo từng loại cây trồng thành lập các tổ hợp tác (THT) để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương còn phối hợp với ngành nông nghiệp huyện, Trạm Bảo vệ thực vật, kết nối với nhà khoa học, DN, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn qui trình sản xuất, thông tin thị trường và tổ chức tham quan học tập những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Thời gian đầu, việc vận động người nông dân tham gia chuỗi liên kết khá khó khăn nhưng địa phương vẫn quyết tâm thực hiện. Bởi chỉ có cùng nhau thay đổi thì nền nông nghiệp của địa phương mới có thể chuyển biến tích cực.

Liên kết giúp nâng tầm giá trị nông sản địa phương

Sau những nỗ lực không ngừng trong việc vận động, tuyên truyền cho người dân, thời điểm hiện tại, xã Phong Hòa đã thành lập được 1 hợp tác xã (HTX), 7 THT và 1 Hội quán. Từ chỗ chỉ chuộng làm ăn riêng lẻ, đến nay, nông dân xã Phong Hòa có nhiều thay đổi về tư duy sản xuất và tự ý thức trong việc bắt tay liên kết ngang để hình thành vùng nguyên liệu lớn, sản xuất nông sản sạch để phục vụ người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Cưng - Tổ trưởng tổ liên kết hợp tác nhãn Phong Hòa bày tỏ: “Hiện nay, nhãn là một trong những nhóm cây ăn trái có triển vọng về xuất khẩu rất cao. Tuy nhiên, nếu chỉ làm ăn nhỏ lẻ thì rất khó hợp tác với DN. Đây là một trong những nguyên nhân chính về sự ra đời của Tổ liên kết hợp tác nhãn Phong Hòa. Chúng tôi quyết tâm thay đổi để trái nhãn của quê hương đi xa hơn, chứ không chỉ gói gọn ở thị trường nội địa”.

Với vị trí địa lý nằm bên bờ sông Hậu, xã Phong Hòa có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp trong phát triển chuyên canh các loại cây ăn trái mang giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của UBND xã Phong Hòa, ngoài cây lúa và hoa màu, cây ăn trái là nhóm cây trồng được nông dân địa phương chuyển đổi mạnh thời gian gần đây. Hiện, toàn xã có 379ha nhãn Ido, khoảng 231ha mận và 121ha thanh long... Đây là những nhóm cây ăn trái đang cho thu nhập kinh tế cao và đầu ra ổn định, được nông dân ưu tiên chuyển đổi những năm qua.

Bên cạnh việc tuân thủ sản xuất theo các quy trình an toàn, sạch, nông dân xã Phong Hòa còn áp dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Đây còn là tiền đề quan trọng giúp nông sản của xã Phong Hòa được nhiều DN ký kết bao tiêu. Mận là một trong những loại cây trồng được chuyển đổi mạnh trong khoảng thời gian gần đây, giúp nông dân vươn lên khá, giàu. Ông Nguyễn Văn Nguyên - Tổ trưởng THT mận bao lưới xã Phong Hòa cho biết: “Nhờ áp dụng kỹ thuật bao trái giúp nhà vườn giảm chi phí phun xịt phân thuốc, chất lượng sản phẩm đảm bảo. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm mận của Phong Hòa bước chân vào các siêu thị lớn. Nhờ cây mận mà kinh tế của nhiều thành viên trong THT được cải thiện rất nhiều. Trung bình mỗi năm, nhà vườn có thể lãi trên 350 triệu đồng/ha, cao rất nhiều so với những loại cây trồng khác”.

Mô hình kinh tế hợp tác giúp người dân xích lại gần nhau hơn, tư duy sản xuất tiến bộ, áp dụng khoa học tiến bộ, cải thiện vườn cây ăn trái vào canh tác giúp làm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm được nhân rộng.

Với sự quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản của xã Phong Hòa được nhiều DN đến tìm hiểu và kết nối tiêu thụ như: Công ty Thạch Võ, Công ty Vạn Phát Thành, Công ty Đại Thuận thiên, Công ty giống cây trồng Bình Minh (Cần Thơ), Công ty thuốc sát trùng Cần Thơ... Chưa dừng lại đó, địa phương còn dự kiến nhân rộng mô hình chuỗi liên kết, tạo điều kiện giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn