Mô hình lúa - sen thích hợp cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu
Cập nhật ngày: 10/06/2016 06:58:35
ĐTO - Đó là thông tin được các chuyên gia và nhà khoa học cung cấp cho các phóng viên, nhà báo tại buổi trao đổi chủ đề về biến đổi khí hậu (BĐKH) do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức tại TP.Cao Lãnh vào ngày 8/6.
Tiến sĩ Dương Văn Ni trao đổi về tình hình biến đổi khí hậu với các phóng viên, nhà báo
Gần 20 phóng viên, nhà báo ở các cơ quan thông tấn, báo chí ở các tỉnh thành và các Bộ, ngành Trung ương đã được Tiến sĩ Dương Văn Ni; PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia sinh thái đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp thông tin về tình trạng BĐKH, tác động của việc xây dựng đập thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Kông và các phương pháp thích ứng với BĐKH.
Theo các chuyên gia, việc các nước xây đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái và lượng phù sa đồi đắp cho ĐBSCL. Nếu vào những năm 1990, lượng phù sa do sông Mê Kông đo được khoảng 160 triệu tấn thì đến năm 2014 chỉ còn khoảng 75 triệu tấn.
Tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết, vấn đề an nguy của ĐBSCL không phải là chuyện cạn kiệt nguồn nước mà là cạn kiệt phù sa. Nếu thiếu phù sa sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cuộc sống con người. Việc một số tỉnh, thành ĐBSCL đang đua nhau xây dựng đê bao làm lúa vụ ba như hiện nay đã vô tình giảm không gian trữ nước, gây lãng phí lượng phù sa, khiến đất bạc màu.
Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni thì mô hình xen canh lúa - sen đang được triển khai ở huyện Tháp Mười là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với tình hình BĐKH đang diễn ra.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, để ứng phó với BĐKH cần có biện pháp né hạn mặn, phân vùng sản xuất lại cho hợp lý. Vùng bị mặn hoàn toàn có thể trồng rừng, vùng 6 tháng mặn 6 tháng ngọt nên thực hiện mô hình tôm - lúa, vùng ngọt hoàn toàn thì trồng lúa.
Phú Thuận