Những tín hiệu bước đầu trong chuỗi ngành hàng vịt
Cập nhật ngày: 08/06/2016 16:36:13
ĐTO - Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng kỹ thuật nuôi vịt nằm rọ không hiệu quả và phù hợp thì giờ đây cách làm mới này đem lại kết quả tích cực cho nông dân. Việc chăn nuôi tại chỗ, có kiểm soát giúp người nông dân kết nối lại với nhau, bước đầu, chuỗi giá trị ngành hàng vịt có tín hiệu khởi sắc.
Nuôi vịt nằm rọ, giúp nông dân kiểm soát tốt dịch bệnh và là tiền đề kết nối tiêu thụ
Hiệu quả bước đầu từ việc làm ăn chung
So với các ngành hàng còn lại trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc tổ chức sản xuất lại cho ngành hàng vịt là một trở ngại lớn đối với ngành chức năng. Bởi phần lớn hộ nuôi vịt đều chăn thả theo phương thức chạy đồng, việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vịt chạy đồng cũng không phải chuyện dễ dàng. Đây là thách thức lớn nhất để tỉnh nhà tổ chức, sắp xếp lại sản xuất cho ngành hàng này.
Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2015, một số nông dân ở huyện Tháp Mười đã làm một điều mà ít người nuôi vịt nào có thể nghĩ tới, là đưa vịt vào nằm rọ. Có 13 nông dân cùng chung một ý tưởng, kết nối lại, cùng tương trợ nhau trong tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa. Từ cách làm này, THT nhận được sự giúp sức và đồng hành của Doanh nghiệp Tư nhân (DNTN) Cỏ May - Khu công nghiệp C, TP.Sa Đéc.
Cụ thể, doanh nghiệp (DN) cung cấp thức ăn đầu vào với giá ưu đãi như đại lý cấp I. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế thì mô hình liên kết này giúp nông dân tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất so với cách làm nhỏ lẻ trước đây.
Điểm nổi bật của mô hình này là sự kết nối của DN bao tiêu sản phẩm đầu ra. Trong đó, DNTN Vĩnh Nghiệp, phường 4, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long là nhân tố quyết định sản phẩm trứng vịt kết nối với thị trường. Nếu tham gia liên kết với Vĩnh Nghiệp, người chăn nuôi sẽ có thị trường tiêu thụ ổn định, đây cũng là nền tảng để nông dân yên tâm, có thể mở rộng sản xuất.
Cần san sẻ khó khăn trong chuỗi liên kết
Mặc dù bước đầu chuỗi ngành hàng vịt đạt được những dấu ấn tích cực, song trong tổ chức sản xuất và liên kết, ngành hàng này cũng đang vướng phải những khó khăn tương tự như ở ngành hàng lúa gạo. Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành hàng vịt là giữa các thành phần tham gia chuỗi liên kết chưa tìm được tiếng nói chung. Nông dân chưa thật sự thông cảm và tin tưởng DN, ngay cả mối liên kết ngang giữa nông dân với nông dân cũng dễ dàng rạn vỡ khi các thành viên trong cùng một tổ chức không thống nhất quan điểm.
Ông Nguyễn Ngọc Mới - Tổ trưởng THT chăn nuôi vịt ấp 10, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, chia sẻ, hiện nay, THT đang được DNTN Cỏ May liên kết cung cấp thức ăn đầu vào và DNTN Vĩnh Nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, vấn đề giá cả là điểm mấu chốt phát sinh nhiều quan điểm bất đồng. Khi THT nhận được sự đồng hành của Cỏ May thì một số DN kinh doanh thức ăn khác cũng nhảy vào, tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn để lôi kéo các thành viên trong THT. DNTN Vĩnh Nghiệp cũng bị tác động tương tự, khi THT thỏa thuận cung cấp trứng cho DN thì các thương lái bên ngoài bắt đầu đẩy giá trứng lên làm xáo trộn thị trường. Do không thương lượng được mức giá phù hợp nên một số thành viên không thiết tha khi làm ăn với DN.
Theo phản ánh của một số thành viên trong THT, mức giá DNTN Vĩnh Nghiệp thu mua thường thấp hơn giá thị trường từ 100 - 200 đồng/trứng. Nếu với quy mô sản xuất khoảng 5.000 con vịt đẻ, trung bình mỗi tháng người nuôi có thể bị lỗ trên 20 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - đại diện DNTN Vĩnh Nghiệp, là một DN sản xuất trứng xuất khẩu nên việc tìm được nguồn trứng chất lượng cũng như truy xuất được nguồn gốc là vấn đề quan trọng của DN. Do đó, DN mong muốn được liên kết với THT để bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, để sự hợp tác được bền lâu, DN cũng mong muốn người nông dân có thể hiểu và thông cảm cho DN. Bởi là một đơn vị lớn thì DN sẽ rất khó thu mua với mức giá có biên độ dao động lớn như ở thị trường nhỏ lẻ. Nhưng ngược lại, khi liên kết với DN, nông dân được thu mua với mức giá ổn định, DN không hạn chế sản lượng thu mua. Điều quan trọng là DN cần sự gắn kết lâu dài và làm ăn uy tín của nông dân.
Cũng đồng chung quan điểm với DNTN Vĩnh Nghiệp, ông Nguyễn Văn Thiên - Phó Giám đốc DNTN Cỏ May cho rằng, với định hướng chọn ngành hàng vịt phát triển, Cỏ May xác định sẽ đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp xây dựng ngành hàng này tới cùng. Ngoài việc cung cấp thức ăn với giá ưu đãi cho nông dân, Cỏ May luôn đồng hành với nông dân trong vấn đề chuyển giao các ứng dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng thức ăn để giúp người nông dân chăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thiên khẳng định: “Chúng tôi mong muốn là người bạn đồng hành với nông dân, thành công của nông dân chính là thành công của DN. Điều quan trọng để chuỗi giá trị này thành công là cả nông dân và DN phải cùng nhau san sẻ khó khăn, tin tưởng lẫn nhau”.
Vấn đề mà ngành hàng vịt đang gặp phải cũng là điểm nghẽn chung mà các ngành hàng khác đang phải đối mặt. Trong chuỗi sản xuất, cả nông dân và DN đều chịu mức độ rủi ro chung như nhau. Điều quan trọng là để chuỗi giá trị thành công thì cả nông dân và DN cần thông cảm và san sẻ khó khăn cho nhau.
Nếu không có DN tìm kiếm đến những thị trường lớn để xuất khẩu thì nông sản vẫn mãi quẩn quanh ở “ao làng” và người nông dân vẫn lệ thuộc vào sự bất ổn của thị trường.
Ngược lại, nếu DN không kết nối được với THT, HTX thì DN sẽ rất khó truy xuất được nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm.
Chỉ có kết nối, cùng nhau san sẻ và vượt khó thì người nông dân và DN mới có thể tồn tại bền vững trong bối cảnh thị trường biến động liên tục như hiện nay.
Mỹ Lý