Người chăn nuôi heo cần thận trọng khi tái đàn
Cập nhật ngày: 04/11/2019 13:46:58
ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù tình hình dịch tả heo Châu Phi vẫn còn tiếp diễn, nhưng giá heo hơi đang tăng cao (khoảng 6 triệu đồng/tạ) nên nhiều người chăn nuôi tự ý tái đàn, không thông báo cho chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát tình hình dịch bệnh. Trong tuần qua, tình hình dịch tả heo Châu Phi trên cả nước tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 24/10/2019, dịch bệnh đã xảy ra tại 8.316 đơn vị cấp xã, thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố (tăng 74 xã và 1 huyện so với tuần trước đó), với tổng số heo bệnh, tiêu hủy là 5.714.884 con, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 328.509 tấn (tăng 83.718 con và 3.394 tấn so với tuần trước); ước thiệt hại khoảng 8,8% sản lượng thịt heo của cả nước. Đến nay, chưa có tỉnh nào trên cả nước công bố hết dịch.
Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 24/10/2019, có 6.246 hộ chăn nuôi, ở 139/144 xã của 12/12 huyện, thị, thành phố có heo mắc bệnh. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 122.660 con (chiếm khoảng 47,19% tổng đàn heo của tỉnh), tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 7.996 tấn. Hiện nay, có 60/139 xã, phường, thị trấn của 12/12 huyện, thị, thành phố đã qua 30 ngày mà không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh nhận định, tình hình dịch bệnh hiện đang có xu hướng giảm, nhưng mức độ giảm chậm và có nguy cơ tăng trở lại nếu điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi (có mưa nhiều và thời tiết lạnh). Tuần qua, bình quân mỗi ngày có khoảng 4 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh và tiêu hủy, với số lượng khoảng 46 con và khối lượng trung bình là 2,5 tấn/ngày. Tuần trước đó, bình quân mỗi ngày có 4 hộ có heo mắc bệnh, tiêu hủy, với số lượng khoảng 51 con và trọng lượng trung bình là 2,7 tấn/ngày.
Trong bối cảnh dịch tả heo Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi ý thức, tự bảo vệ đàn vật nuôi, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; vận động người dân chú trọng việc trữ và xử lý nước bằng benkocid hoặc chlorin trước khi sử dụng trong chăn nuôi. Người nuôi chú ý che chắn tránh mưa tạt, gió lùa và thắp đèn sưởi ấm cho gia súc vào ban đêm, gia súc sẽ không bị cảm lạnh và đủ sức đề kháng chống chịu lại bệnh tật và không tái đàn khi chưa có công bố hết dịch...
Mỹ Lý