Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp

Nhiều hoạt động thiết thực trong xây dựng giao thông nông thôn

Cập nhật ngày: 21/10/2018 06:10:32

ĐTO - Thành lập từ năm 2013, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính tự nguyện. Những năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp trong công tác tư vấn phát triển hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.


Người dân nhiệt tình đóng góp kinh phí và ngày công lao động trong xây dựng cầu đường nông thôn

Đóng góp xây dựng giao thông nông thôn

Là một trong những Hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, Hội được thành lập nhằm mục đích tổ chức huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng giao thông nông thôn (GTNT), góp phần hoàn thành chủ trương xây dựng nông thôn mới. Những ngày đầu hoạt động của Hội đã gắn liền với chương trình vận động tài trợ xây dựng GTNT. Qua đó thu hút được những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện chương trình.

Trong 5 năm qua (2013 - 2018), Hội có khoảng 1.000 hội viên (gồm 6 chi hội thành viên cấp huyện, thị, thành và 3 hội ngành). Lãnh đạo Hội đa phần là cán bộ về hưu với trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, trong đó có 2 thạc sĩ, 7 kỹ sư cầu đường. Trong quá trình hoạt động, việc phát triển hội viên không chỉ tập hợp cán bộ kỹ thuật trong ngành giao thông mà còn vận động được cán bộ kỹ thuật các ngành có liên quan, cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện; các kỹ sư trẻ nhiệt tình, luôn tìm tòi học hỏi, sáng tạo.

Với phương châm hoạt động “không cầu danh, cầu lợi, không chế độ thù lao, hoạt động vì nhu cầu, niềm vui và sự tin yêu của nhân dân”, trong 5 năm qua, Hội đã xây dựng tổng cộng 770 cây cầu nông thôn bằng bê tông cốt thép, 260 công trình đường bê tông và đường nhựa với tổng chiều dài hơn 449km đã được đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí xây dựng 270 tỷ đồng, trong đó kinh phí được tài trợ khoảng 135 tỷ đồng, nhân dân địa phương đóng góp khoảng 89 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hơn 200.000 ngày công lao động.

Để việc thi công đạt hiệu quả, Hội đã đầu tư phương tiện với 7 sà lan, bảo đảm vận chuyển đầu tư vật liệu ép cọc; trong đó có 2 chiếc sà lan ép cọc theo công nghệ Nhật Bản giúp rút ngắn thời gian. Trong 5 năm qua, Hội tiếp tục vận động xây dựng những công trình cầu có quy mô ngày càng lớn, mặt cầu rộng, tải trọng tương đối lớn (5 tấn) đáp ứng tiêu chí số 2 về xây dựng xã nông thôn mới.

Là đơn vị thành viên của Hội, thời gian qua, Trung tâm tư vấn Khoa học kỹ thuật và Công nghệ giao thông Đồng Tháp hoạt động có hiệu quả. Những năm qua, Trung tâm đã hỗ trợ khảo sát, lập hồ sơ miễn phí khoảng 400 công trình cầu đường nông thôn trong và ngoài tỉnh. Việc ra đời Trung tâm khẳng định vai trò tất yếu của các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế thị trường.


Công trình giao thông khánh thành mang lại niềm vui cho người dân vùng nông thôn

Theo ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, Hội luôn chủ trương vận động có dự án cụ thể để đầu tư rõ ràng, huy động được nhiều nguồn lực tham gia đóng góp. Hoạt động của Hội đã huy động được nguồn lực, trí tuệ của xã hội đóng góp vào việc xây dựng GTNT trong toàn tỉnh. Hội cử cán bộ kỹ thuật của Hội hoặc các chi hội trực thuộc khảo sát, lập hồ sơ thiết kế để làm cơ sở cho vận động.

Các công trình cầu nông thôn do Hội triển khai với mục đích phục vụ nhân dân nên huy động được phần lớn người dân tham gia đóng góp ngày công lao động. Do không tốn thêm chi phí về nhân công, thiết kế, nên cầu nông thôn do Hội triển khai chỉ bằng nửa giá thành so với cách đấu thầu thi công theo phương thức truyền thống. Chính nhờ những ưu điểm này mà Hội luôn nhận được sự tin tưởng và đóng góp của các mạnh thường quân.


Các đội xây dựng cầu đường thi công công trình với tinh thần tự nguyện

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động

Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, Hội đã thí điểm mô hình xây dựng cầu đường nông thôn tại huyện Lai Vung. Giải pháp của địa phương là thống kê lại số lượng cầu từng ấp, từng xã, làm cuốn chiếu từng ấp. Trong đó huy động sức dân tại chỗ và sự hỗ trợ 25% từ nguồn ngân sách huyện. Kế hoạch này đang được UBND huyện Lai Vung, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Lai Vung thực hiện khá thành công (đầu năm 2018 đến nay, số lượng công trình xây dựng cầu trên địa bàn huyện Lai Vung chiếm hơn 50% công trình cầu của toàn Hội).

Là người nhiệt tâm trong việc xây dựng cầu đường nông thôn, ông Võ Văn Lộc - Đội trưởng Đội thi công cầu từ thiện xã hội huyện Lai Vung cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu đi lại khó khăn của người dân, tôi quyết định vận động anh em tham gia vào đội xây dựng cầu đường nông thôn. Đến nay, Đội thu hút được 118 thành viên. Từ ngày thành lập đến nay, Đội đã thi công được 103 cầu và 17,5km đường GTNT, giúp hoàn thiện các mối nối giao thông trong xã, huyện”.

Ông Hồ Thanh Phương - Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết: “Thời gian qua, huyện đã tập trung cho công tác vận động nguồn lực, tìm giải pháp thực hiện các công trình GTNT trên địa bàn huyện. Khi các công trình cầu đường hoàn thành, GTNT sẽ tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện”.

Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Hải Quân cho biết: “Hội sẽ củng cố và phát triển các hội thành viên; tiếp tục làm tốt cơ chế phối hợp giữa Hội với các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành. Đồng thời tăng cường vận động thêm các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng thêm công trình cầu, đường nông thôn. Phấn đấu đến năm 2023 sẽ có thêm 550 cầu và 200km đường GTNT được xây dựng mới. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho hội viên và đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích các tài năng trẻ tham gia Hội”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, nhờ công sức của các cấp Hội nên hình ảnh “qua sông thì phải lụy đò”, những con đường “nắng bụi, mưa bùn” dần được bớt đi, thay vào đó là những công trình cầu, đường vững chãi, những con đường trải rộng. Có được kết quả đáng quý như vậy là nhờ vào sự nhiệt thành và tận tâm của hội viên với nòng cốt là những cán bộ về hưu và nhiều tấm lòng thiện nguyện khác... Bộ mặt nông thôn Đồng Tháp ngày càng khởi sắc, góp phần đưa nhiều xã về đích trong Chương trình xây dựng nông thôn mới là có sự đóng góp quan trọng của các cấp Hội.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn