Phụ nữ Đất Sen hồng tiêu biểu trong phong trào thi đua khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 20/10/2018 07:21:54

ĐTO - Từ năm 2017, qua việc thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, phong trào khởi nghiệp của phụ nữ Đồng Tháp sôi nổi và có nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới.


Khởi nghiệp từ nghề sản xuất thực phẩm chay giúp chị Nguyễn Thị Niêu thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng

Chị Nguyễn Thị Niêu - khởi nghiệp thành công từ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay

Chị Nguyễn Thị Niêu (SN 1972) là hội viên phụ nữ ấp Nhất, xã An Phong, huyện Thanh Bình. Gia đình theo đạo Phật, nên từ nhỏ chị Niêu đã quen với các món ăn chay.

Chia sẻ về quá trình lập nghiệp, chị kể: “Có lần người hàng xóm mang cho những trái đu đủ sống, nên mình làm dưa để dành ăn và đã mang tặng bạn bè dùng thử, ai ăn cũng khen ngon (dưa đu đủ để khoảng 60 ngày vẫn ăn được). Từ đó, mình bắt tay vào làm dưa đu đủ để bán với mong muốn có một món ăn bổ dưỡng, an toàn dành cho người ăn chay”.

Sản phẩm “dưa đu đủ” của chị Niêu sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành lại rẻ, ăn giòn, ngon nên rất được khách hàng ưa chuộng. Biết được ý tưởng kinh doanh của chị, năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Phong đã hỗ trợ chị làm các thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tham gia tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh...

Bắt đầu từ đó, sản phẩm của cơ sở chị không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt vào những tháng ăn chay. Chị thuê thêm một số chị em tại địa phương phụ việc, chị đã nghiên cứu làm thêm sản phẩm “khô sườn non” và “chả viên” để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và giúp chị em phụ nữ có việc làm, thu nhập ổn định.

Sản phẩm lúc đầu làm thủ công nên số lượng sản xuất rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu, chị Niêu đã mạnh dạn đầu tư máy cắt, lò sấy trị giá khoảng 200 triệu đồng. Từ khi có máy cắt, hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt, mỗi ngày sản xuất khoảng 200 - 300kg sườn non.

Hiện cơ sở Bảy Lên do chị Niêu làm chủ tạo việc làm cho 10 - 12 lao động nữ, với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của cơ sở Bảy Lên làm ra luôn đạt yêu cầu từ mẫu mã đến chất lượng, đạt doanh thu bình quân 100 triệu đồng/tháng.

Không chỉ kinh doanh giỏi, chị Niêu còn là hội viên phụ nữ tiêu biểu. Chị luôn thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng” như: cho mượn vốn, tạo việc làm cho những hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn phát triển kinh tế gia đình. Chị là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào thi đua khởi nghiệp năm 2018, được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen.

Chị Bùi Châu Huệ - vươn lên thoát nghèo nhờ sản xuất bánh in truyền thống

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Bùi Châu Huệ (hội viên phụ nữ ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung kể: “Trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ chồng đi làm thuê kiếm sống, đến khi các con lần lượt ra đời thì cuộc sống càng khó khăn hơn. Để kiếm thêm thu nhập, vợ chồng chị làm bánh in bán cho khách hàng”.


Chị Bùi Châu Huệ giới thiệu sản phẩm bánh in “Như Ý” tại Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2018

Bánh in do chị Huệ làm theo kinh nghiệm truyền thống của gia đình, đặc biệt chị rất chú trọng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hóa chất, bánh làm ra với hương vị tự nhiên từ bột nếp và trái cây như: sầu riêng, mít, dừa... nên rất được khách hàng ưa chuộng.

Tuy nhiên, do quy mô nhỏ lẻ chỉ đáp ứng được một số đơn hàng nhỏ nên đầu năm 2017, chị được Hội LHPN xã giới thiệu vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mở rộng sản xuất và hướng dẫn chị đăng ký giấy phép kinh doanh, đăng ký thương hiệu bánh in “Như Ý”...

Từ đó, chị tận dụng nguồn vốn vay để đầu tư máy móc và nguyên liệu sản xuất bánh in, nâng cao chất lượng và số lượng bánh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đông của khách hàng. Hội Phụ nữ còn tiếp tục quan tâm giới thiệu giúp chị tham quan các lớp tập huấn khởi sự khởi nghiệp, các buổi sinh hoạt chi hội.... Nhờ vậy việc kinh doanh của chị đi vào ổn định, kinh tế gia đình ngày một phát triển, có thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Không dừng lại ở đó, chị Huệ đã nghiên cứu chế biến thêm nhiều sản phẩm bánh in để đáp ứng nhu cầu thị trường như: bánh in nhân đậu xanh, bánh in nhân đậu sầu riêng, bánh in lá dứa, bánh in mít...

Chị Huệ chia sẻ: “Hiện tại, với mô hình sản xuất bánh in, gia đình tôi đã sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như: bột, mít, dừa, đường... để sản xuất, đặc biệt nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, việc kinh doanh ngày càng ổn định, kinh tế gia đình khấm khá hơn trước”.

Sản phẩm bánh in “Như Ý” hiện nay không chỉ được nhiều khách hàng trong tỉnh đón nhận mà khách hàng tại một số tỉnh, thành như: TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương... cũng ưa chuộng.

Ngoài việc tham gia phong trào thi đua khởi nghiệp, chị Huệ còn tham gia tốt các hoạt động và phong trào do Hội phát động, đi đầu trong thực hiện tiêu chí “5 không, 3 sạch”, nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Bản thân chị luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chị còn tích cực hỗ trợ chị em về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều chị em tại địa phương. Chị là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

Chị Huệ tâm sự: “Có được kinh tế ổn định như hiện nay, tôi và gia đình đã không ngừng lao động, học hỏi thêm cách kinh doanh và chi tiêu tiết kiệm... Từ kinh nghiệm của mình, tôi sẵn sàng chia sẻ với chị em, bởi giúp đỡ chị em cùng tiến bộ cũng là góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh...”.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn