Những người con Đồng Tháp nặng lòng với hạt gạo quê hương

Cập nhật ngày: 08/02/2019 05:55:16

ĐTO - Với trăn trở và quyết tâm xây dựng hạt gạo hữu cơ, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, nhiều nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã, đang từng bước cải tiến quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đưa gạo sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng...


Lễ ra mắt sản phẩm gạo “Ruộng nhà mình” của Công ty Lương thực Đồng Tháp vào tháng 9/2018

Xây dựng thương hiệu gạo Đồng An vì sự trăn trở

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất lúa gạo, thấm thía được bao nỗi thăng trầm của hạt gạo, bà Hồ Thị Kim Gương tự hỏi: “Tại sao bà không làm ra một loại gạo sạch, không hóa chất để phục vụ gia đình, bạn bè”. Nghĩ là làm, bà Gương bắt đầu mày mò, tìm hiểu về kỹ thuật canh tác gạo sạch. Với diện tích ban đầu sản xuất 4.000m2, bà Gương có ý định chỉ làm để phục vụ quy mô gia đình và những người thân. Tuy nhiên, thấy được hiệu quả của mô hình, đến vụ thứ 3 có 5 cộng sự có cùng ý tưởng tham gia mô hình sản xuất gạo sạch với bà Gương, diện tích cũng từ đó tăng gấp hàng chục lần, với 13ha, rồi 60ha sau 1 năm canh tác.

Với quy trình sản xuất an toàn, sau mỗi vụ canh tác đều được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (TP. Hồ Chí Minh) kiểm tra đạt tiêu chuẩn gạo an toàn, vì vậy gạo hữu cơ của bà Gương với thương hiệu gạo Đồng An đã được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Bà Gương chia sẻ: “Tuy hiện nay sản phẩm gạo chưa nhiều, đầu ra chưa ổn định nhưng qua một thời gian ra mắt, nhiều người cũng đã biết và sử dụng gạo Đồng An. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe của một bộ phận người dân cũng được đảm bảo - đó là mục đích cuối cùng mà tôi hướng đến khi sản xuất gạo hữu cơ Đồng An”.

Sản xuất lúa giống hữu cơ vì lợi ích cộng đồng

Với nông dân Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò - tình yêu dành cho mảnh đất quê hương được chất chứa trong từng hạt gạo, không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang những giá trị tinh thần vô giá.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Lấp Vò, một trong những mảnh đất làm nên vựa lúa của Đồng Tháp, là người có gần 20 năm gắn bó với nghề lai tạo giống lúa, ông Nguyễn Anh Dũng hiểu hơn ai hết những vất vả mà người nông dân phải gánh chịu, nhất là nỗi oan “nghiện thuốc bảo vệ thực vật”.


Ông Nguyễn Anh Dũng (giữa) trao đổi với nông dân về lúa giống OM384

Thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người nông dân, ông Dũng cho rằng để có được hạt gạo an toàn trước tiên phải có những hạt giống an toàn. Từ quan điểm này, ngay từ khi phát hiện và lai tạo thành công các giống lúa LD2012, ngọc đỏ hương dứa (giống lúa gắn liền với tên tuổi của ông và vùng đất Lấp Vò), ông Dũng đã áp dụng sản xuất lúa giống theo quy trình an toàn như sử dụng nấm xanh, nấm trắng và nấm đối kháng để xua đuổi dịch hại, tạo ra những loại lúa giống thật sự an toàn. Đến nay, ngoài giống ngọc đỏ hương dứa, LD2012, các loại giống có năng suất và chất lượng cao được nhiều nông dân ưa chuộng như: Tím sen, Tím sữa, ND3, LV6, dòng phân li OM384... cũng được Hợp tác xã sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn cung cấp cho nông dân, doanh nghiệp. Cùng với cung cấp giống, Hợp tác xã còn là nơi để người dân tham quan, học hỏi mô hình canh tác hữu cơ, tiết kiệm chi phí trong sản xuất lúa...

“Ruộng nhà mình” - Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững

Từng trải trong ngành sản xuất lúa gạo, lãnh đạo Công ty Lương thực Đồng Tháp hiểu hơn ai hết nỗi đau của một nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới mà nông dân vẫn nghèo, người dân đôi khi vẫn phải ăn gạo bẩn và càng xót xa hơn khi người tiêu dùng lại quay lưng với hạt gạo quê hương.

Nhận thấy cần phải thay đổi để nâng cao giá trị cho hạt gạo và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2018, Công ty Lương thực Đồng Tháp bắt đầu triển khai chuỗi liên kết Gạo an toàn – tối ưu giá với thương hiệu “Ruộng nhà mình”. Đây là mô hình do Công ty Lương thực Đồng Tháp phối hợp với 2 Hợp tác xã trong dự án VnSAT (Hợp tác xã Tiến Cường, huyện Tam Nông và Hợp tác xã Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh) và Công ty Cổ phần Chuỗi giá trị Nông sản Việt thực hiện”. Đây là thương hiệu chung của các sản phẩm nông sản, thực phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Thông qua việc tối ưu hóa hiệu quả của từng khâu trong chuỗi bằng việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và thương mại, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và tiết kiệm chi phí mua nông sản từ 10-15% cho người tiêu dùng so với giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Ông Trần Tấn Đức - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết: “Tôi tin tưởng, với quy trình sản xuất an toàn, minh bạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, đồng thời đây sẽ là bước đệm để thương hiệu gạo Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường thế giới”.

Xây dựng nền nông nghiệp an toàn cho quê hương còn là một hành trình dài với nhiều nỗi gian truân. Tuy nhiên, từ những mô hình canh tác lúa hữu cơ thành công bước đầu của bà Hồ Thị Kim Gương, ông Nguyễn Anh Dũng, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã và đang gieo niềm hy vọng cho sự hình thành một nền nông nghiệp hữu cơ trong tương lai. Hành trình ấy được thực hiện bằng tất cả nỗ lực, kiên trì, đầy tâm huyết của những người trong cuộc.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn