Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững

Cập nhật ngày: 24/04/2019 05:37:07

ĐTO - Ngày 23/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về hội nhập quốc tế (HNQT) với chủ đề “Tăng cường HNQT chủ động sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng BCĐ quốc gia về HNQT chủ trì hội nghị.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng phát biểu tại điểm cầu Đồng Tháp. 
Ảnh: Thanh Hiền

Hội nghị được trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại điểm cầu Đồng Tháp, tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng.

BCĐ quốc gia về HNQT do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban được thành lập ngày 23/4/2014 với 3 BCĐ liên ngành trên 3 trụ cột, do các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực làm Trưởng ban. Theo BCĐ quốc gia về HNQT, trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh, phức tạp, tác động sâu rộng đến công tác HNQT của nước ta. Triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về HNQT (ngày 10/4/2013) và định hướng chiến lược chủ động, tích cực HNQT mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, công tác HNQT đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực khác. Công tác HNQT trong 5 năm qua đã thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, HNQT là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. HNQT đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Từ giai đoạn đầu HNQT, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu và tự tin tiến lên HNQT, được cụ thể hóa trong Nghị quyết 22 (tháng 4/2013) của Bộ Chính trị với nội hàm chủ động hội nhập toàn diện trên 3 trụ cột, đó là Chính trị - quốc phòng - an ninh; Kinh tế; Khoa học, giáo dục, văn hóa xã hội. Đại hội XII (tháng 1/2016) đã xác định “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực HNQT”. Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương HNQT bằng nhiều nghị quyết, nhiều chỉ thị, quyết định và các văn bản có liên quan, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác HNQT, tạo môi trường, điều kiện thận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảmquốc phòng, an ninh quốc gia thời gian qua.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, HNQT đã góp phần quan trọng trong những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội nước nhà trong 5 năm qua. Thành tựu lớn nhất là chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời chủ động HNQT, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước, tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn. Chúng ta đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều hiệp định FTA, mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới. Chúng ta đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đó là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam.

Thông tin với hội nghị, tại điểm cầu Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng cho biết, đối với tỉnh Đồng Tháp, việc triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 31/NQCP của Chính phủ về HNQT qua 5 năm đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đồng Tháp đã xây dựng được biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn của tỉnh hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

Đồng Tháp đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các địa phương của những quốc gia như: Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, IFC, JAICA, Tiểu vùng MêKông...) qua đó thu hút đầu tư FDI 21 dự án với trên 200 triệu USD. Trong giai đoạn 2014-2019, Đồng Tháp có 9 dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA để phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị nông thôn với số vốn trên 370 triệu USD. Năm qua, xuất khẩu nông sản của Đồng Tháp đạt trên 1,2 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là sản phẩm xoài Đồng Tháp vừa xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Hoa Kỳ vào ngày 18/4 vừa qua. Đặc biệt, hàng nông sản của Đồng Tháp xuất khẩu đi hơn 150 quốc gia. Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải có dự án đầu tư cầu Cao Lãnh, cầu Vàm cống và tuyến dự án kết nối là động lực phát triển cho cả vùng...

Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, Đồng Tháp đưa trên 6.000 lao động đi làm việc nước ngoài; đưa 550 du học sinh đi đào tạo nước ngoài nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho HNQT. Tỉnh cũng đã triển khai đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ HNQT theo kế hoạch của Trung ương một cách chủ động nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn, đưa tỉnh ngày càng phát triển. Trong đó, Đồng Tháp chú trọng tập trung vào quan hệ đối ngoại với Vương quốc Campuchia nhằm xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách toàn diện.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương quan tâm đến các vùng kinh tế còn khó khăn trong HNQT để tránh tụt hậu đối với các khu vực phát triển, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có Đồng Tháp. Ông Nguyễn Thanh Hùng đề nghị hỗ trợ dòng đầu tư FDI đối với khu vực ĐBSCL; tăng cường đầu tư công, ODA, vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng kết nối hạ tầng giao thông; tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu HNQT.

Hội nghị trực tuyến của BCĐ quốc gia về HNQT được tổ chức đúng dịp 5 năm thành lập BCĐ quốc gia và 5 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nhận thức rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế cần khắc phục để “Tăng cường HNQT chủ động sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”.

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã tập trung phát biểu, đánh giá việc triển khai các Nghị quyết của Đảng về HNQT trong 5 năm qua, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương hội nhập, tự tin, tiếp tục HNQT, bao gồm đánh giá kết quả thực hiện 5 mục tiêu của Nghị quyết 22; phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5, 10 năm tới; sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0...

Hội nghị cũng đề ra phương hướng công tác trong thời gian tới. BCĐ quốc gia về HNQT, năm 2019 là năm “nước rút” Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Năm 2019 cũng là năm Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và bước vào giai đoạn mới phải hoàn tất các cam kết trong 12 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó có CPTPP. Công tác HNQT được triển khai trong một môi trường quốc tế chuyển biến sâu rộng, nhanh và phức tạp, khó lường, tính bất ổn gia tăng, tạo cơ hội và thách thức đan xen. Việt Nam cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 31/NQCP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về HNQT; quyết tâm tăng cường HNQT chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn