Tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn duy trì ổn định

Cập nhật ngày: 09/06/2020 05:55:23

ĐTO - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, sản xuất nông nghiệp của tỉnh từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên thông qua việc triển khai cấp bách các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong những tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn duy trì ổn định…


Xuống giống vụ lúa thu đông 2020

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa trong những tháng đầu năm tương đối ổn định. Đến nay, vụ hè thu đã cơ bản hoàn tất giai đoạn xuống giống với trên 187 ngàn ha, thu hoạch được gần 43.500ha, sản lượng 262 ngàn tấn, năng suất bình quân trên 6 tấn/ha. Tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt trên 348 triệu USD, trong đó mặt hàng gạo tăng 20% về sản lượng và 12% về giá trị.

Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng cây ăn trái của tỉnh đạt gần 32.200ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt 213.200 tấn, giá trị sản xuất cây ăn trái đạt gần 1.400 tỷ đồng. Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, hầu hết giá các mặt hàng cây ăn trái đều giảm từ 30 - 50% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, nhất là ngành hàng xoài. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, việc giao thương bị đứt gãy đã tác động lớn đến tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh nhà.

Theo Sở NN&PTNT, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Đến nay, tỉnh đã công bố hết dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên sau dịch bệnh, nguồn heo cạn kiệt dẫn đến giá heo hơi vẫn duy trì ở mức cao. Tổng đàn heo của tỉnh trong quý I là 170.000 con, thấp hơn gần 70% so với cùng kỳ, đàn gia súc còn lại phát triển ổn định.

Hiện tổng diện tích thủy sản nuôi toàn tỉnh đạt 52% so với kế hoạch và giảm 205ha so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 15% so với kế hoạch và giảm trên 26.000 tấn so với cùng kỳ. Đối với ngành hàng cá tra, do dịch bệnh Covid-19 nên tình hình xuất khẩu cá tra không thuận lợi dẫn đến giá bán loại thủy sản này luôn ở mức thấp trong thời gian dài, dao động từ 18.000 - 18.500 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi phải chịu lỗ từ 3.400 - 3.900 đồng/kg.

Theo dự báo, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn và hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường sẽ gây nên những thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp...

Để phát triển sản xuất trồng trọt ngày càng mạnh mẽ, gia tăng giá trị sản xuất và bền vững hơn, tại hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2020; triển khai Kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2020 tại các tỉnh, thành Nam bộ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố Nam bộ về chính sách bảo vệ, chuyển đổi đất trồng lúa; dự báo sớm và chia sẻ thông tin về thị trường một cách nhanh nhất và sớm thống nhất quy trình mã vùng trồng...

Riêng đối với các giải pháp phát triển nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo, đối với các vụ sản xuất còn lại, các ngành, địa phương cần bám sát thực tế để có biện pháp chỉ đạo tập trung nhằm đạt năng suất, sản lượng cao nhất, đặc biệt là vụ lúa hè thu, thu đông. Ngoài ra, đối với ngành hàng cây ăn trái, Sở NN&PTNT căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu theo từng thời điểm để hướng dẫn nhà vườn rải vụ; hỗ trợ củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nông sản, ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt không để tái nhiễm dịch tả heo châu Phi; triển khai áp dụng các chính sách hiện có của tỉnh để hỗ trợ tái đàn heo và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp sản xuất và cung ứng giống heo chất lượng cao; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng cũng yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT tăng cường công tác thông tin thị trường mà Việt Nam đã ký với các FTA để định hướng cho người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu, nhanh chóng nắm bắt thời cơ ngay sau khi các thị trường này kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời theo dõi sát tình hình sản xuất, xuất khẩu để có những đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn