Doanh nghiệp may mặc, thủy sản gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 03/06/2020 13:07:45

ĐTO - Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, hiện tại, Mỹ và EU vẫn đang là tâm dịch, trong khi đây là các thị trường nhập khẩu chính đối với sản phẩm thế mạnh của tỉnh như may mặc, da giày và thủy sản chế biến. Điều này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất các ngành hàng may mặc, da giày và thủy sản chế biến trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19.


Ngành hàng may mặc gặp khó khăn kép do vừa thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra xuất khẩu

Nhiều đơn hàng may mặc, thủy sản bị hoãn, hủy

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với ngành may mặc, da giày, 4 tháng đầu năm 2020 có 1/26 DN tạm dừng hoạt động; 6 DN gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào và đơn hàng tiêu thụ nên đã chuyển sang sản xuất mặt hàng khẩu trang. Đến đầu tháng 5/2020, DN không có đơn hàng mới, khách hàng thông báo ngưng sản xuất các đơn hàng tháng 5, 6, 7; yêu cầu giảm giá thành sản phẩm 20%.

Công ty TNHH May An Long (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) cho biết, công ty chủ yếu may các mặt hàng thời trang nữ, trẻ em để xuất sang thị trường các nước Pháp, Nga, Mỹ... Tuy nhiên, sau quý I, lượng đơn hàng xuất sang các thị trường này đều bị giảm, hủy đơn hàng khiến lượng hàng tồn kho của công ty tăng cao. Trước khó khăn đó, DN buộc phải cắt giảm 800 công nhân, đồng thời chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang cung cấp cho các DN nhưng lượng hàng xuất đi cũng không mấy khả quan.

Chia sẻ về những khó khăn ngành da giày đang phải đối diện, lãnh đạo Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong (khu công nghiệp Trần Quốc Toản, TP.Cao Lãnh) cho biết, bên cạnh những đơn hàng bị hủy, giãn tiến độ giao hàng, đơn vị vẫn cố gắng thực hiện những đơn hàng còn lại để tạo công ăn việc làm cho hơn 2.400 lao động. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn phải trông chờ vào tín hiệu thị trường từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... để quyết định duy trì sản xuất hay cắt giảm nhân công. Bởi cố gắng duy trì sản xuất nhưng hàng hóa không tiêu thụ được, dẫn đến lượng tồn kho lớn sẽ gây khó khăn cho DN...

Tương tự như ngành may mặc, da giày; ngành thủy sản cũng đang gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm, ngành chế biến thủy sản có 4/20 DN tạm ngưng hoạt động, 2 DN hoạt động cầm chừng; tồn kho tăng cao lên đến 40.000 tấn; doanh thu sụt giảm từ 20 - 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với ngành chế biến thức ăn thủy sản, có 5/26 DN tạm dừng hoạt động, 4 DN hoạt động cầm chừng; doanh thu sụt giảm từ 20 - 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau thời gian nới lỏng các hạn chế, giá một số mặt hàng nông sản tăng nhẹ so với thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay giá cá tra nguyên liệu vẫn duy trì ở mức thấp từ 18.000-18.500 đồng/kg, với mức giá này, các hộ nuôi phải chịu lỗ từ 3.400-3.900 đồng/kg. Trong 4 tháng đầu năm, có 119 ngàn tấn cá tra thu hoạch, diện tích đang thả nuôi là 1.127ha và hiện có 12,6ha đang “treo ao”. Dự trữ hàng hóa tại các kho lạnh của DN gần hết công suất.


Giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức thấp từ 18.000 - 18.500 đồng/kg, hộ nuôi phải chịu lỗ

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình), hiện tại, Hùng Cá có 6 công ty thành viên với 7 nhà máy và hơn 6.000 lao động hoạt động thường xuyên. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, công ty vẫn cố gắng duy trì hoạt động, không cắt giảm số lượng công nhân làm việc. Tuy vậy, dịch bệnh tác động nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Cụ thể, giảm trên 40% sản lượng của 4 nhà máy chế biến, hàng tồn kho tăng 51%, doanh thu giảm hơn 21%, xuất khẩu giảm khoảng 50%.

Ông Nguyễn Văn Hùng đề xuất, trong lúc này, DN rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh nhà với những biện pháp và chính sách về lãi suất hàng tồn kho và các khoản vay ưu đãi cho một số dự án, hỗ trợ giải quyết về thiếu hụt nguồn lao động. Sự hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện giúp DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid -19

Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, toàn tỉnh có gần 4.000 DN đang hoạt động, phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ, với hơn 65.500 lao động đang làm việc. Tính từ đầu năm đến nay, khoảng 39.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, có 2.800 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, một số đơn hàng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải tạm hoãn...


Nhiều hộ nuôi “treo ao” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, để hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện tại cho 5 DN; cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay bình thường từ 0,2%/năm đến 2%/năm đối với 92 DN và 9 cá nhân; cơ cấu lại thời hạn trả nợ (giữ nguyên nhóm nợ) đối với dư nợ gốc đến hạn cho 6 DN và 42 cá nhân.

Cùng với đó, các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tính đến ngày 6/5/2020, Đồng Tháp đã triển khai chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho 461 DN và 696 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền là 77,2 tỷ đồng. Đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp “nới lỏng” cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Trần Văn Khoa - Phó Cục trưởng Cục thuế Đồng Tháp, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời cho người nộp thuế trong việc miễn giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư. Đồng thời hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tổng hợp đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và nguồn thu ngân sách nhà nước tại địa phương; kịp thời giải quyết gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm thuế cho người nộp thuế thuộc đối tượng theo quy định...

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị, các ngành, địa phương đang nỗ lực hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn. Với vai trò là đòn bẩy của nền kinh tế, DN cần nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp linh động để vượt qua khó khăn, cùng chính quyền vực dậy kinh tế chung của tỉnh trong thời gian tới...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn