Thanh niên 9X và giấc mơ phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở vùng biên
Cập nhật ngày: 14/02/2019 15:32:05
ĐTO - Với nông dân Trần Thanh Tiền (SN 1990), Tết cổ truyền Kỷ Hợi là một cái Tết đặc biệt trong hành trình khởi nghiệp của mình, khi những đứa con tinh thần “độc - lạ” của anh mang tên dưa lưới khắc chữ thư pháp được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước đón nhận.
Trần Thanh Tiền sử dụng điện thoại thông minh điều khiển hệ thống tưới nhỏ giọt
Nông trại dưa lưới công nghệ cao - kết tinh của đam mê và sáng tạo
Trên mảnh đất cù lao Long Phú Thuận, vùng đất trồng hoa màu trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp, chàng nông dân 9X Trần Thanh Tiền dần mở rộng diện tích trồng dưa lưới từ khoảng sân chật hẹp của gia đình ra hơn 3.000m2.
Không giống các nông trại trồng dưa lưới khác, đến với nông trại dưa lưới của nông dân Trần Thanh Tiền, chúng tôi cảm nhận rõ được tình cảm và tâm huyết của anh dành cho “những đứa con tinh thần” của mình. Từng quả dưa lưới được anh đầu tư nhiều tâm sức để chăm sóc và điêu khắc. Để có những quả dưa thư pháp mang thông điệp Tài – Lộc; Phúc – Lộc – Thọ gửi đến người tiêu dùng vào dịp Tết cổ truyền, anh Tiền phải bỏ nhiều thời gian, công sức thử nghiệm, bỏ túi không ít kinh nghiệm thất bại để có được thành công như hôm nay.
Sản phẩm dưa lưới khắc chữ thư pháp
Điểm đặc biệt khiến sản phẩm dưa lưới thư pháp hấp dẫn người tiêu dùng chính là sự “độc – lạ” của sản phẩm. Bên cạnh đó, với việc công khai minh bạch quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng quét mã QR trên sản phẩm khiến cho người tiêu dùng thêm tin tưởng, hài lòng khi mua sản phẩm từ nông trại của anh Tiền. Tết Kỷ Hợi năm 2019, anh cung cấp cho thị trường trên 70 cặp dưa lưới thư pháp, giá bán dao động từ 1 -1,2 triệu đồng/cặp. Đây được xem là hướng đi tiềm năng mang lại giá trị gia tăng gấp nhiều lần so với trồng dưa lưới đơn thuần.
Nông dân Trần Thanh Tiền bên sản phẩm dưa lưới khắc chữ thư pháp
Mặc dù diện tích mỗi khu nhà màng chỉ khiêm tốn vài trăm mét vuông nhưng điều đặc biệt ở nông trại trồng dưa lưới của anh Tiền là đều ứng dụng công nghệ cao. Thông qua một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa, anh có thể biết được vườn dưa lưới của mình. Từ các thiết bị cảm biến được đặt trong vườn, các thông tin về nhiệt độ, môi trường, độ ẩm, ánh sáng sẽ được gửi về điện thoại thông qua một chương trình ứng dụng. Cũng thông qua ứng dụng này, anh Tiền sẽ kích hoạt hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân từ xa mà không cần có mặt tại khu sản xuất.
Khác với cách canh tác truyền thống, dưa lưới ở nông trại của anh Tiền được trồng hoàn toàn trong giá thể, vừa giúp chủ động cách ly được nguồn mầm bệnh có sẵn trong đất vừa chủ động nguồn dinh dưỡng cũng như tưới tiêu cho cây. Từ hệ thống tưới nhỏ giọt được điều khiển bằng phần mềm, dưa lưới được tưới và cung cấp dinh dưỡng hoàn toàn bằng phương thức tự động hóa.
Song song đó, để sản phẩm đầu ra đạt được sự đồng nhất về chất lượng, dưa lưới do anh Tiền sản xuất còn có thể chủ động kiểm tra về độ đường, độ giòn, từ đó điều chỉnh dinh dưỡng cho cây để đạt độ ngon như ý muốn.
Về làng khởi nghiệp với nghề nông
Hiện nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường thường có xu hướng đến các thành phố lớn để lập nghiệp. Ấy vậy mà, anh Trần Thanh Tiền - thủ khoa ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học An Giang ngày nào đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp sau thời gian học tập và lao động ở xứ người.
Quét mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm dưa lưới
Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, anh Tiền đăng ký chương trình “học làm nông dân ở Israel”. Gần 1 năm sau, trở về nước, nhiều người cứ ngỡ anh sẽ tìm công việc ở một công ty nào đó nhưng lại thấy anh lủi thủi cày đất, trồng rau.
Anh tâm sự: “Bao năm gắn bó với vùng quê Long Thuận, điều làm tôi trăn trở nhiều nhất chính là tình cảnh rau màu thường xuyên rớt giá, rồi khi có giá thì bị thiên tai, dịch hại... Khi đến Israel, một đất nước phần lớn diện tích là sa mạc, khí hậu khắc nghiệt nhưng quốc gia này lại là nhà cung cấp chính phần lớn sản lượng nông sản sạch cho Châu Âu đã cho tôi nhiều suy nghĩ mới về cách làm nông nghiệp cho quê hương. Xác định được chìa khóa để thực hiện mơ ước của mình, tôi tranh thủ khoảng thời gian ở Israel để học tập, tích lũy thật nhiều kinh nghiệm càng tốt”.
Kết thúc chương trình học tập tại Israel, anh Tiền trở về quê nhà và rủ thêm nhóm bạn từng học làm nông nghiệp ở Israel, mở nông trại và áp dụng những gì đã học. Ngay sau đó, nhóm bạn trẻ liền bắt tay nhau vào sản xuất nông sản sạch trên quê hương Hồng Ngự. Anh Tiền chịu trách nhiệm chính trong sản xuất, các bạn khác phụ trách xây dựng thương hiệu và tìm đối tác. Hiện nay, nông sản của anh được hai chuỗi siêu thị ở tỉnh An Giang bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Anh Tiền chia sẻ: “Thời gian đi học tập làm nông nghiệp ở Israel, tôi luôn ấp ủ sẽ mang những kiến thức mình học được về áp dụng tại quê hương mình. Tôi mơ ước vùng cù lao Long Thuận sẽ trở thành vùng trồng màu được áp dụng công nghệ cao để bà con quê tôi bớt lam lũ, nhọc nhằn. Nông sản làm ra cũng có thể chủ động được thị trường hơn”.
Ngoài việc sản xuất tại nông trại của mình, anh Tiền còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nông dân có nhu cầu chuyển giao công nghệ, tận tình chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh. Anh Tiền chia sẻ, sản xuất dưa lưới là bước đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của mình. Sau mô hình dưa lưới, anh ấp ủ đầu tư mở điểm du lịch trải nghiệm, xây dựng chuỗi café rau... Từ đó từng bước nâng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập để người dân yên tâm.
Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: “Mô hình của anh Tiền được cả tỉnh và huyện đánh giá cao không chỉ về yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phù hợp với quy hoạch vùng trồng rau màu ở cù lao. Sắp tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình cho người dân để dần thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo lợi nhuận”.
Mỹ Lý