Giúp nông dân làm nông kiểu 4.0

Cập nhật ngày: 12/02/2019 10:37:31

Cắt bỏ trái sai cành; ngồi nhà bấm điện thoại di động điều khiển tưới tiêu ngoài ruộng; dự hội thảo bàn chuyện chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp... Những việc làm này không còn xa lạ với nhiều nông dân Đồng Tháp. Giúp nhà nông làm chuyện này, là sự đồng hành của nhiều “nhà” khác...


Trong nhà lưới trồng dưa lê của Công ty Ecofarm Đồng Tháp.  Ảnh: LÝ VĂN SƠN

Còn nhớ, sáng 12/6/2016, khi khảo sát Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương ở Cao Lãnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kể chuyện làm nông kiểu 4.0 ở nông trại Yokoyama (tỉnh Aichi, Nhật Bản). Nơi này chỉ có 15 nhân công, làm 1,2ha dưa lưới và cà chua nhưng hàng năm thu lãi 350.000 - 400.000 USD (hơn 8 tỷ đồng). Trong tay 15 nông dân này luôn có hàng trăm trang web là địa chỉ tiêu thụ sản phẩm. Không nói về công nghệ, Thủ tướng chỉ nhấn mạnh với bà con xã viên Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương: “Một dây dưa có rất nhiều quả nhưng để bảo đảm chất lượng thì họ đã cắt hết, chỉ để lại một quả. Một quả dưa của họ có giá từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Tôi nói điều đó để thấy rằng kinh nghiệm nâng cao chất lượng, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và đặc biệt là áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quản lý tốt thì nhất định sẽ thành công”. Một chi tiết nhỏ nói lên quan hệ giữa chất lượng, số lượng, giá trị gia tăng... trong thời làm nông kiểu 4.0.

Ở Đồng Tháp, từ năm 2017, Tỉnh ủy đã họp chuyên đề; và đến nay thì UBND tỉnh đã tổ chức rất nhiều nội dung để liên kết nhà nông với doanh nghiệp, nhà khoa học cùng chính quyền địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo xu hướng 4.0. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Việt kiều Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holdings JSC chuyên ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp: “Đồng Tháp thì quá hay rồi, từ Bí thư, Chủ tịch tỉnh đến Giám đốc các sở, người nào cũng rất tâm huyết với quê hương của họ trong chuyện này”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho biết ông đang cùng nông dân Trà Vinh, Đồng Tháp ứng dụng nhiều giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 để canh tác lúa và hoa màu. Làm kiểu này, theo ông Mỹ, sẽ giảm được hơn 30% nước tưới, hơn 40% phân đạm, hơn 50% tiền công, hơn 50% thuốc bảo vệ thực vật, hơn 40% khí nhà kính; tăng năng suất từ 10-20% và tăng doanh thu 100% với mô hình canh tác lúa - vịt. “Nông dân mình rất thông minh, bà con sẽ làm được khi có hướng dẫn phù hợp. Thông qua các cơ quan chuyên về quản lý nông nghiệp cấp tỉnh, chúng tôi đang cùng hàng trăm ngàn bà con nông dân sử dụng điện thoại thông minh để cho ra sản phẩm đáp ứng được chuỗi giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập”, ông Mỹ nói.

Hôm 9/6/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và nông dân. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh rằng thời làm nông 4.0 này, muốn thắng, người nông dân phải xóa bỏ “tư duy mùa vụ”, doanh nghiệp phải xóa bỏ “tư duy thương vụ” và các cấp lãnh đạo chính quyền phải xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”. “Khi chúng ta có tư duy mới và chúng ta hiểu nhau được như vậy, tức doanh nghiệp hiểu nông dân, nông dân hiểu doanh nghiệp... thì mới trở thành mối liên kết bền vững”, ông Hoan nói.

Đến đầu tháng 8/2018, tại một sự kiện về ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp 4.0 ở Cao Lãnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan lại nhấn mạnh chủ trương mới của lãnh đạo Đồng Tháp, về việc không để cho hàng triệu nông dân bị bỏ lại phía sau trong làn sóng cách mạng 4.0. Hưởng ứng đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” của Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ điện thoại thông minh cho nông dân. Đồng Tháp đang có nhóm thanh niên chuyên lo tập huấn cho nông dân sử dụng điện thoại thông minh làm nông theo cách như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ nói mà không phải suốt ngày ở ngoài đồng ruộng. “Hiện nay người nông dân Đồng Tháp đã sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển hệ thống tưới tự động cho cam, quýt, xoài... và chúng tôi muốn chuyện này phổ biến hơn”, Bí thư Đồng Tháp nói.

Chia sẻ đề tài này, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh rằng, chính quyền, nhà khoa học nên làm sao để vừa có ích cho cả nông dân và doanh nghiệp. “Không nên để doanh nghiệp tự mua đất rồi “đuổi” nông dân đi để muốn làm bao nhiêu nhà màng, nhà lưới thì làm. Phải làm thế nào để đưa cái 4.0 này cho người nông dân tham gia được. Thí dụ với những cây trồng ngắn ngày trong nhà màng thì có thể đầu tư nhà màng cho một nhóm nông dân để họ cùng làm. Hoặc đầu tư cho cây lúa thì nên bón phân lót bằng phân hữu cơ vi sinh do doanh nghiệp cung cấp để nông dân làm ra lúa có chất lượng tốt nhất. Còn nhà khoa học thì phải làm việc với cả hai. Vì nhà doanh nghiệp phải tham khảo nhà khoa học trước để sau đó nhà khoa học và nông dân ngồi lại thỏa thuận ra được quy trình VietGAP hay GlobalGAP sao cho sát thực tế để giúp nông dân làm đúng quy trình này chớ không được làm theo cái cũ nữa”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.

Nông ngiệp 4.0 là gì?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, lịch sử nông nghiệp 4.0 bắt đầu từ 1.0 (nông nghiệp hữu cơ; làm lúa mùa, luân canh, lao động thủ công...); 2.0 (cách mạng xanh; làm lúa lai, thâm canh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa...); 3.0 (nông nghiệp chính xác; cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng thiết bị định vị toàn cầu GPS, cảm ứng không giây, công nghệ VRT...); 4.0 (nông nghiệp thông minh; ứng dụng thiết bị Internet kết nối vạn vật, cơ sở dữ liệu lớn, tiết kiệm chi phí...).

Huỳnh Kim

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn