Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 26/02/2019 16:37:00

ĐTO - Ngày 26/2, tại TP.Cao Lãnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội nghị nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ nút thắt cho ngành hàng lúa gạo trong vụ đông xuân hiện nay và xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với ngành hàng này.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hoá, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Hàng năm, vùng đóng góp trên 50% sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo xuất khẩu.

Về góc độ sản xuất, những năm vừa qua, bằng các chính sách hỗ trợ sản xuất đã giữ được giá lúa ổn định để nông dân đảm bảo lợi nhuận trên 30%, ngành lúa gạo Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, hiện có khoảng 160 doanh nghiệp, tổ chức xuất khẩu gạo sang hơn 120 quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính như: Nhật, Mỹ, EU, Ấn Độ... Đặc biệt, năm 2018 được xem là cột mốc quan trọng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, với mức xuất khẩu đạt 6,16 triệu tấn, giá 3,06 tỷ USD. Giá lúa luôn ở mức cao trên 5.000 đồng/kg đảm bảo lợi nhuận cho bà con.

Tuy nhiên, bước sang năm 2019, giao dịch mua bán lúa gạo đang chậm, nguyên nhân là do hợp đồng mới với các thị trường Trung Quốc, Philippines chưa ký kết được, mặt khác do hợp đồng cũ của doanh nghiệp (DN) còn tồn lại không nhiều. Chính vì thế những ngày đầu tháng 2 đến nay giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, giá lúa IR50404 chỉ dao động ở mức 4.100 - 4.150 đồng/kg, lúa chất lượng cao (giống OM6976) dao động từ 4.450 - 4.500 đồng/kg, so với cùng kỳ năm ngoái giá lúa giảm bình quân 20% (tương đương giảm 1.000 đồng/kg).

Theo nhận định của các địa phương, hiện nay lúa đông xuân đang trong giai đoạn chín rộ, do đó cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ nông dân trong giai đoạn này để tránh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đặc biệt, là phía ngân hàng cần tạo cơ chế thông thoáng cho DN tiếp cận đủ nguồn vốn để mua lúa của nông dân. Bên cạnh đó, các ngành cần xem xét phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ để bình ổn mặt bằng giá lúa ở các địa phương.

Về phía DN, nhiều DN cho rằng, sản xuất kinh doanh lương thực đều thiếu vốn, do đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói tín dụng riêng cho đợt thu mua dự trữ này, thời gian dài tối đa 6 tháng để các DN tăng cường thu mua hết lúa hàng hóa trong 3 tháng và chủ động lựa chọn thời gian bán thích hợp, giúp nông dân có nguồn vốn kịp thời đầu tư cho vụ hè thu tới.


Quang cảnh hội nghị

Về góc độ phát triển bền vững, để không còn tình trạng giải cứu nông sản, không riêng gì mặt hàng lúa, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đề nghị, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi “lời nguyền” “chi phí cao, chất lượng kém”. Để vượt qua “lời nguyền” đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy hợp tác xã (HTX) là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN).

Theo Bí thư, HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện TCCNN và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Bí thư cũng đề nghị cần tách HTX nông nghiệp thành một Nghị định riêng, tiến dần đến ban hành Luật về HTX nông nghiệp.

Theo Bí thư, chúng ta không nên đặt mục tiêu huy động tăng trưởng của khu vực kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào GDP của nền kinh tế ít nhất trong 5-10 năm tới. Nhìn với góc độ khác, HTX có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị như định hướng của nhiều DN và đề xuất của nhiều chuyên gia tâm huyết với ngành hàng lúa gạo.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhất trí với kiến nghị của các địa phương và DN. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tham gia chuỗi lúa gạo từ nay đến cuối năm cần có sự vào cuộc quyết liệt, nhất là Tổng công ty lương thực Miền Nam cần đẩy mạnh thu mua, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo nội địa thể hiện trách nhiệm với người dân. Về lâu dài, các đơn vị trong chuỗi lúa gạo cần rà soát lại quy mô sản xuất lúa gạo hàng năm của các địa phương, trong đó tập trung vào 3 mũi nhọn: liên kết, chế biến và thị trường để tạo ra những giá trị mới cho các sản phẩm nông nghiệp.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn