Tìm lại thương hiệu bưởi Phong Hòa

Cập nhật ngày: 20/01/2016 11:41:22

Nhờ thiên nhiên ưu ái, nên từ lâu đời vùng đất Lai Vung thuận lợi trong phát triển các loại cây có múi. Không những được biết đến là vùng đất “thủ phủ quýt hồng” mà nơi đây còn được xem là cái nôi của giống bưởi Phong Hòa, loại bưởi đặc sản một thời nức tiếng xa gần.


Bưởi Phong Hòa vào vụ mùa Tết

Bưởi Phong Hòa nức tiếng một thời

Những ngày cuối năm, trong không khí tất bật, rộn ràng của ngày Tết, chúng tôi tìm về vùng đất Phong Hòa - nơi từng được bạn bè xa gần biết đến với giống bưởi thơm ngon, từng làm say lòng biết bao lữ khách khi đến với vùng quê này.

Theo chân một cán bộ nông nghiệp của xã, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thành Quới ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung để tìm hiểu về câu chuyện “thương hiệu bưởi Phong Hòa”. Theo làn khói của tách trà nóng, hình ảnh của làng quê Phong Hòa xưa, những vườn bưởi trĩu quả được tái hiện qua lời kể của ông Quới một cách sống động.

Theo lời ông Quới, một giống bưởi rất ngon được một địa chủ có tiếng ở vùng quê này mang về từ huyện Bình Minh, Vĩnh Long từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, khi trồng ở Phong Hòa thì một điều lạ là hương vị của giống bưởi này lại thơm ngon hơn so với vùng đất mẹ đã sinh ra nó.

Ban đầu, bưởi Phong Hòa chỉ được trồng trong một số vườn để ăn chơi. Tuy nhiên, với hương vị thơm ngon độc đáo được nhiều người yêu thích nên nhiều nông dân lựa chọn giống bưởi này để trồng cho vườn quanh nhà. Bưởi Phong Hòa khi chín có màu vàng nhạt, múi bưởi căng mọng, không hạt, hương vị đậm đà, vị ngọt thanh, vỏ mỏng và đặc biệt không có vị đắng the.

Khoảng năm 1970 - 1980 là giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất của giống bưởi Phong Hòa. Nhờ hương vị thơm ngon, đặc biệt, nên mối lái khắp nơi nghe tiếng tìm đến Phong Hòa mua bưởi. Tuy nhiên, đến khoảng những năm 90, dịch bệnh vàng lá gân xanh tấn công trên diện rộng, song song đó giá bưởi vào thời điểm này lại rớt mạnh nên nhiều nhà vườn ở đây chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác.

Nông dân vẫn nặng tình với bưởi Phong Hòa

Mặc dù hiện nay, nhiều loại cây ăn trái khác phát triển mạnh ở huyện Lai Vung, song một số nhà vườn vẫn “nặng lòng” với cây bưởi Phong Hòa đã “phục hưng” lại giống bưởi nổi tiếng này cho mảnh vườn nhà mình.

Ông Quới chia sẻ: “Mặc dù hiện nay diện tích bưởi ở Phong Hòa giảm đáng kể, song với thương hiệu bưởi Phong Hòa nổi tiếng xưa nay, nhiều thương lái vẫn tìm đến đây mua bưởi. Để gìn giữ lại giống bưởi quý ở địa phương, tôi và một số nhà vườn ở đây vẫn duy trì lại diện tích bưởi những vườn bị già cỗi thì được trồng mới lại, thông qua việc làm này, chúng tôi mong muốn gìn giữ lại cho đời sau một loại đặc sản quý mà quê hương Phong Hòa từng có”.

Ngoài quýt hồng thì bưởi cũng là một trong những loại quả không thể thiếu trong mâm trái cây chưng ngày Tết của người Nam bộ. So với những năm trước, thời tiết năm nay khá  thuận lợi nên vườn bưởi ở Phong Hòa trúng mùa, nhà vườn rất phấn khởi.

Anh Nguyễn Hoàng Nam ngụ ấp Tân Phú, xã Phong Hòa chia sẻ: “Mặc dù lợi nhuận từ canh tác bưởi không cao như cam soàn và quýt hồng, song so với những cây trồng khác thì trồng bưởi vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, bưởi dễ chăm sóc lại có thể cho trái rải vụ quanh năm nên tình trạng “dội chợ” cũng ít xảy ra. Ngoài ra, để tăng hiệu quả kinh tế thì có thể điều chỉnh lịch thời vụ, cho bưởi ra trái tập trung vào Tết Nguyên Đán. Nhờ khí hậu năm nay thuận lợi nên bưởi đậu trái khá đạt, kích cỡ trái đồng đều, da sáng, đẹp nên rất dễ tiêu thụ”.

Theo thông tin từ nhiều nhà vườn, giá bưởi Tết năm nay cao hơn so với cùng kỳ những năm trước, dao động từ 38 - 42 ngàn đồng/kg (bán vũ đệm tại vườn). Với mức giá như hiện tại, trung bình 1000m2  nhà vườn có thể lãi trên từ 35 - 40 triệu đồng. 

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt - Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, hiện tại diện tích trồng cây ăn trái của toàn xã là 640ha, tập trung nhiều nhất là cam các loại, mận... chỉ còn một diện tích rất nhỏ là trồng bưởi đặc sản Phong Hòa (khoảng 6,7ha). Do cây trồng này không có nhiều ưu thế về kinh tế so với những loại cây ăn trái khác nên diện tích bưởi của địa phương đang giảm dần. Đây cũng là nguyên nhân mà xã không chủ trương khuyến cáo nông dân chuyển đổi sang trồng cây bưởi.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn