Vốn vay ưu đãi giúp người dân giảm nghèo
Cập nhật ngày: 13/03/2018 08:13:56
ĐTO - Những năm qua, với nhiều chương trình thiết thực, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến gần với người dân, kịp thời giúp hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.
Cô Phạm Thị Thoa chăm sóc hoa kiểng
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
Gia đình anh Nguyễn Văn Quý ở phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc thuộc diện hộ nghèo của địa phương nhiều năm qua. Năm 2012, anh Quý mạnh dạn vay vốn NHCSXH để thuê đất sản xuất, kinh doanh hoa kiểng. Nhờ chăm chỉ sản xuất và nguồn vốn lãi xuất thấp nên kinh tế gia đình dần khấm khá. Hiện, anh đang được NHCSXH tiếp tục hỗ trợ nguốn vốn vay 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất.
Anh Quý cho biết, nguồn vốn vay từ các chương trình chính sách hỗ trợ người dân rất nhiều, đó là nguồn chi phí ban đầu để có thể đầu tư sản xuất, so với việc vay bên ngoài, thì vay NHCSXH lãi suất thấp và thời gian hoàn vốn dài giúp nông dân bớt gánh nặng chi trả.
Cũng giảm bớt nỗi lo nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cô Phạm Thị Thoa ở khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc chia sẻ: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, không đất sản xuất, phải làm thuê, làm mướn vất vả mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Năm 2008, địa phương và ngân hàng xét hỗ trợ vay số tiền khoảng 500.000 đồng, nhờ nguồn vốn đó mà gia đình có vốn sản xuất đến nay. Hiện gia đình tôi đang vay thêm 40 triệu đồng để mở rộng sản xuất”.
Bà Nguyễn Ngọc Hương - Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TP.Sa Đéc cho biết, chỉ riêng TP.Sa Đéc đã có trên 7.700 hộ đang được vay vốn với dư nợ trên 160 tỷ đồng. Khi các hộ nghèo, hộ chính sách được tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi sẽ hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. Đặc biệt là mang đến cơ hội để người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo
Theo thống kê của NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, năm qua toàn tỉnh có hơn 162.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trên 22.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cùng nhiều đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn tín dụng chính sách. Phần lớn dư nợ được thực hiện thông qua các tổ chức Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Theo đó, hơn 2.826 tỷ đồng đã được giải ngân. Trong đó, bình quân dư nợ một số chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo là 11,9 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo 20,9 triệu đồng/hộ, hộ mới thoát nghèo 18,2 triệu đồng/hộ; giải quyết việc làm 23,1 triệu đồng/hộ.
Ông Lại Văn Bé Chín - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp nhận định, tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn là hoạt động quan trọng của NHCSXH. Vì vậy, đến nay, hoạt động của nguồn vốn đã được bao phủ đến các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 144 điểm giao dịch/144 xã, phường, thị trấn. Ông Chín cho biết, tỉnh Đồng Tháp đã và đang triển khai thực hiện 12 chương trình chính sách như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, xuất khẩu lao động... Riêng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, thực hiện theo chỉ đạo chung, từ năm 2014, mức hỗ trợ cho vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ. Thời hạn cho vay tối đa 60 tháng.
“Đơn vị sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương và UBND tỉnh để đáp ứng đầy đủ, đảm bảo các hộ nghèo, hộ chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được vay để sản xuất kinh doanh. Mặt khác, hướng tới, NHCSXH sẽ phối hợp các ngành, địa phương khi tiến hành giải ngân nguồn vốn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tình trạng tái nghèo hoặc nợ xấu” - ông Lại Văn Bé Chín cho biết thêm.
Với những phản hồi tích cực, tín dụng chính sách đã và đang phát huy vai trò của mình và trở thành một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo căn cơ và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương. Bởi lẽ, thông qua nguồn vốn tín dụng, người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống và tăng thu nhập cho gia đình.
Thảo Vy