Âm nhạc - Cảm nhận và thụ hưởng

Cập nhật ngày: 23/07/2018 06:31:24

Gần đây, một số trường nhạc, học viện âm nhạc ở các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh,... mở các khóa học cảm thụ âm nhạc giảng dạy cho trẻ em, qua đây cho thấy nhu cầu được thưởng thức âm nhạc hiện nay của trẻ rất được quan tâm. Riêng ở Đồng Tháp, sắp tới đây học sinh (HS) sẽ được làm quen với nội dung học cảm thụ âm nhạc.

Âm nhạc, cảm nhận và thụ hưởng - Đó là thông điệp chính của môn học cảm thụ âm nhạc, do Nhạc trưởng - Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Điệp biên soạn và trực tiếp hướng dẫn.

Đây cũng là chương trình tập huấn đặc biệt của Nhạc trưởng Hoàng Điệp dành cho giáo viên Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tương Lai (gọi tắt là Trường Tương Lai).

Chương trình tập huấn kéo dài liên tục trong 3 tháng và là một nội dung quan trọng của liên môn Nghệ thuật mà HS Trường Tương Lai sẽ được làm quen ngay từ năm học đầu tiên 2018 - 2019.


Một buổi tập huấn môn học cảm thụ âm nhạc cho giáo viên Trường Tương Lai

 “Cảm thụ âm nhạc” là một môn học còn mới lạ ở Việt Nam nhưng ở các nước Âu Mỹ, môn học này đã được hình thành và phát triển từ 1946 cho đến nay. “Cảm thụ âm nhạc” dạy con người cách sử dụng âm nhạc làm phương tiện để khám phá, tìm hiểu về cuộc sống xung quanh cũng như thể hiện những cảm nhận về cuộc sống. Biết nghe, biết khám phá và thưởng thức cái đẹp trong âm nhạc là cách nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú và khả năng sáng tạo của trẻ. Đây chính là tiền đề cho trẻ theo học tiếp các môn năng khiếu nhạc cụ hay thanh nhạc một cách thuận lợi.

Bên cạnh đó, môn học này sẽ mang lại những tác động quan trọng trong việc giúp trẻ đón nhận những hiện tượng xung quanh một cách tích cực. Đây không chỉ là môn học dành riêng cho trẻ em hay những người có năng khiếu âm nhạc, môn học này dành cho tất cả mọi người.


Dạy nhạc cho trẻ em ở Trường Tương Lai

Tại hội thảo Bàn tròn giáo dục do Trường Tương Lai tổ chức từ ngày 26 - 28/4/2018, chủ đề “Dạy nhạc cho trẻ em” đặc biệt thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước.

Nhiều vấn đề được đặt ra và thảo luận sôi nổi về cách thức tổ chức thực hiện: dạy nhạc cho trẻ VIP (trẻ gặp khó khăn trong điều chỉnh hành vi và hội nhập cộng đồng), tích hợp âm nhạc trong việc giảng dạy các môn học khác như: tiếng Anh, Toán, Tin học, Khoa học, Ngôn ngữ,... Tất cả đều thống nhất với nhận định: Môn Âm nhạc nếu được dạy và học theo đúng chuẩn quốc tế sẽ giúp cho trẻ hình thành và phát triển rất nhiều những kỹ năng bổ trợ cho học tập lẫn cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện.

PV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn