Đi học

Cập nhật ngày: 26/08/2013 04:27:44

Buổi học đầu tiên hồi bé của tôi vô cùng đáng nhớ, nó khắc sâu trong lòng tôi cho đến suốt đời, đó chính là ánh mắt đượm buồn của bà ngoại và cái roi tre lăm lăm trên tay cùng nét mặt hầm hầm của ba tôi.

Tôi và đứa em kế sinh năm một. Nên khi nó vừa ra đời thì ba má gửi tôi về cho bà ngoại nuôi. Tiếp sau đó, má tôi lại sinh thêm một lũ em bốn đứa nữa, nên tôi có “cơ hội” được “ở luôn” cùng với ngoại. Tôi sống ở quê ngoại trong tình thương yêu của cả gia đình. Tuổi thơ tôi không có nhà trẻ hay trường mầm non, nhưng bù lại là vòng tay ấm áp của bà ngoại cùng sự cưng chìu hết sức của mấy dì, mấy cậu. Bà ngoại quý tôi như vàng, đi đâu cũng dắt theo như người ta có con mọn. Suốt ngày tôi lẽo đẽo theo bà, hết chặt củi ngoài vườn tới bơi xuồng đi câu cá lòng tong mùa nước. Thỉnh thoảng tôi còn được bà cho theo đi chợ bằng xuồng, hai bà cháu tình tang bơi qua con sông cái rồi hết hai con rạch nhỏ mới tới chợ, tôi làm chân “giữ xuồng” cho bà ngoại lên chợ mua bán các thứ, tàn chợ thế nào cũng được bà mua cho quà, trong đó không thiếu thứ tôi thích nhất là những chiếc vòng đeo tay xanh đỏ và đôi bông tai tòng teng bằng nhựa.

Quê ngoại ở vùng sâu, với lại thời chiến tranh, ở đó ít có ai được đi học. Mãi đến năm lên bảy tuổi tôi vẫn chưa biết trường lớp là gì. Một hôm nghe cậu Út nói nhỏ với bà ngoại: Anh chị kêu chở “nó” về bển đi học! Nghe lỏm nhưng cũng hiểu sự việc, tôi hét lên: Con không chịu! Bà ngoại không nói gì, chỉ quay mặt đi nơi khác, hình như bà buồn. Sáng hôm sau, cậu Út với dì Tám lẳng lặng thu dọn các thứ cho tôi, gom vào một giỏ đầy. Tôi “linh tính” được, nên bám riết bà ngoại không rời. Bà ngoại làm thinh bỏ ra ruộng, chắc bà không nỡ xa tôi.

Cậu và dì năn nỉ tôi một hồi không được, liền dùng “vũ lực”. Tôi ra sức cự tuyệt nhưng cuối cùng vẫn bị bế thốc lên đưa xuống xuồng, cậu Út nhanh chóng giựt dây cho nổ hết ga chiếc máy koler, mũi xuồng lướt sóng ào ào. Tôi khóc la giãy giụa, bao nhiêu đồ đạc trên xuồng bị tôi ném hết xuống sông. Dì Tám vẫn tỉnh bơ, cậu Út thậm chí còn trêu chọc tôi nữa. Tôi vừa giận, vừa tủi, vì không muốn rời ngôi nhà của ngoại và vì không hiểu tại sao bà ngoại không lên tiếng bênh vực tôi như mọi khi.

Xuồng vừa cập bến, ba má với mấy đứa em chạy xuống đón tôi. Được nước tôi càng khóc dữ. Ai ngờ ba tôi đã thủ sẵn một cái roi tre, đánh đòn phủ đầu: Chịu đi học hay không? Một roi “đét” vào mông đau điếng, tôi mới thút thít đi theo má lên nhà thay quần áo, quảy chiếc cặp da màu vàng má đã chuẩn bị sẵn, ngồi lên yên sau xe đạp cho cậu Út chở tới trường, mặt mũi vẫn còn sưng húp. Ngày hôm đó đã muộn hơn ngày khai trường đúng một tháng.

Vào học muộn nên tôi được cô giáo quan tâm đặc biệt. Kế bên nhà còn có nhỏ bạn học chung lớp, nó giúp tôi mọi thứ. Tôi dần thích nghi với ngôi nhà của “cha mẹ” và cũng quen dần với trường lớp. Vậy mà cuối năm lớp Một ấy tôi được đứng nhất lớp, được nhận phần thưởng danh dự, ba má tôi thật là hãnh diện!

Từ hôm tôi trở về nhà để đi học, bà ngoại buồn lắm. Chiều chiều, bà hay bơi xuồng qua thăm xem tôi ăn uống, học hành thế nào. Bà nói với má tôi: Nuôi cháu mấy năm trời, mến tay mến chưn, tối ngủ nhớ “nó” hết sức! Má tôi an ủi bà: Một thời gian rồi má cũng bớt nhớ thôi mà, nghen má! Bà ngoại ôm tôi vào lòng: Cháu của ngoại phải đi học để sau này khỏi dốt, nghen con! Tôi lặng thinh không đáp lời ngoại, nhưng ghi khắc thật sâu khuôn mặt của bà lúc đó với đôi mắt ươn ướt vừa mới giấu vội mấy giọt nước mắt.

Ngày đầu tiên đi học của tôi không tung tăng hớn hở như bao bạn bè khác. Nhưng tôi thầm cám ơn cái roi tre của ba và ánh mắt đượm buồn của bà ngoại. Đó chính là những dấu ấn tuổi thơ đáng nhớ mà nếu không có những điều đó, biết đâu có thể tôi đã không có được niềm vui đến trường!

Ngọc Điệp

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác