25 năm hết mình với công tác dân số

Cập nhật ngày: 16/04/2019 09:12:03

ĐTO - Biết bao lần bị nặng nhẹ, thậm chí bị xua đuổi khi đến nhà vận động kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), vậy mà cô Võ Thị Ánh Nguyệt (SN 1959), cộng tác viên dân số ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung vẫn kiên trì gắn bó với công tác này trên 25 năm. Với sự kiên trì và nhiệt tình của cô Nguyệt, công tác dân số trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả, nhiều gia đình nhờ đó mà có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc.


Cô Võ Thị Ánh Nguyệt trong một buổi truyền thông tư vấn cho chị em sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Tham gia công tác dân số từ năm 1993, điều kiện phương tiện đi lại, đường sá rất khó khăn nên những ngày đầu làm công tác dân số với cô Nguyệt vô cùng vất vả.

Cô Nguyệt chia sẻ: “Mỗi khi đến nhà người dân vận động KHHGĐ, tôi phải đi bộ và thường vào buổi chiều tối, lúc đó các thành viên trong gia đình mới có mặt ở nhà. Nhiều hôm, phải đến chạng vạng tôi mới về đến nhà. Vất vả vậy chứ nhiều trường hợp đến nhà không những họ không tiếp mà còn có những lời khó nghe”.

Trước những khó khăn đó, là người có trách nhiệm với công việc lại thêm tinh thần kiên nhẫn không ngại khó, cô Nguyệt đã sử dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”. Cô gặp người thân của họ để tiếp cận chuyện trò, phân tích lợi ích của việc sinh ít con và những khó khăn khi đông con, rồi cô nêu gương những gia đình chỉ có con một bề nhưng vẫn sống rất hạnh phúc, kinh tế khá giả, con cái học giỏi, chăm ngoan. Sau những buổi vận động của cô Nguyệt, lúc đầu 1 rồi 2, 3,... trường hợp đã đồng ý KHHGĐ.

Chị Lê Thị Thúy Liễu - cán bộ chuyên trách dân số xã Vĩnh Thới nói: “Trước đây, ở ấp Hòa Định, tư tưởng phong kiến trong người dân rất nặng, nhiều gia đình muốn sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường và tư tưởng sinh con đông cho vui nhà vui cửa nên đa phần các cặp vợ chồng sinh 4 - 5 con là chuyện thường.

Nhưng từ khi cô Nguyệt đảm nhận công tác dân số ở đây, đã giúp nhiều bà con thay đổi tư tưởng. Nhiều người đã tự nguyện triệt sản,... dừng lại ở 2 con để chăm lo cho gia đình được tốt hơn. Những năm gần đây, trên địa bàn ấp chỉ có 1 - 2 trường hợp sinh con thứ 3, nên đời sống chị em ở đây được cải thiện hơn trức rất nhiều”.

Kết quả trên là cả một quá trình kiên trì của cô Nguyệt. Thời gian đầu làm công tác dân số, công việc vất vả nhưng tiền hỗ trợ không được bao nhiêu, gia đình, người thân bảo cô “vác tù và hàng tổng”. Thậm chí có người bảo cô thích xen vào việc gia đình người khác.

Cô Nguyệt kể: Năm 2008, có một gia đình rất khó khăn mà có 6 người con, vận động không biết bao nhiêu lần, người chồng thì đồng ý triệt sản, còn vợ thì không, thế là anh chồng nhờ cô dẫn đi triệt sản. Khi biết, cô vợ đến nhà tôi nói nặng lời, đòi thưa kiện tôi. Rồi cô vợ bị bệnh u nang buồng trứng, tôi nhiệt tình dẫn đi khám rồi điều trị bệnh. Bác sĩ giải thích cho cô ấy hiểu là sanh nhiều con ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ dẫn đến nhiều bệnh cho phụ nữ,... Hiểu được, sau khi bình phục, cô ấy cũng không còn phản ứng với chuyện anh chồng đã đi triệt sản và từ đó tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Gian nan vậy, nhưng khi được hỏi, đã bao giờ cô có ý định từ bỏ công việc? Cô Nguyệt quả quyết: “Chưa bao giờ tôi có ý định bỏ công việc này. Làm việc này tôi học được nhiều điều lắm mà nhất là tôi đã học được chữ “nhẫn, thân thiện và mềm mỏng”. Làm công việc này nếu không kiên nhẫn, mềm mỏng thì sẽ thất bại. Người cộng tác viên dân số phải thường xuyên đến các gia đình để gắn kết tình thân, sẵn sàng hỗ trợ nếu họ cần. Đó cũng chính là cách để làm dân vận trong lĩnh vực dân số - KHHGĐ. Với tôi, được làm công tác dân số là một cơ duyên lớn trong đời, được góp phần công sức nhỏ của mình cho quê hương”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn