Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất bánh trung thu
Cập nhật ngày: 04/09/2019 11:49:32
Toàn tỉnh hiện có 62 cơ sở sản xuất (CSSX) bánh trung thu. Thời điểm này, các cơ sở đang tăng tốc sản xuất để phục vụ thị trường Tết Trung thu. Ngoài sự khéo léo, chăm chút để có những chiếc bánh ngon, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong sản xuất luôn được các cơ sở quan tâm, thực hiện tốt.
Chị Trương Thảo Ly - Chủ cơ sở bánh trung thu Phúc Khang (Lai Vung) xếp bánh chuẩn bị giao cho khách hàng
Gắn bó với nghề bánh trung thu gần 30 năm qua, mỗi mùa trung thu, cơ sở bánh trung thu Ngọc Phượng (phường 2, TP.Cao Lãnh) do chị Nguyễn Thị Hoa làm chủ, cho ra thị trường trên 5.000 chiếc bánh trung thu phục vụ người tiêu dùng.
Chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, từ cuối tháng 6 âm lịch, chị Hoa thuê thêm 8 lao động phụ làm bánh, đầu tư lò nướng mới, đặt nguyên liệu mới. Cơ sở bắt đầu nhận các đơn hàng và làm bánh từ mùng 8 tháng 7 âm lịch. Đến nay, đã sản xuất hơn 2.000 chiếc bánh trung thu và đang tập trung sản xuất thêm để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trong quá trình sản xuất bánh trung thu, vấn đề ATVSTP được cơ sở đặt lên hàng đầu. Chị Hoa chia sẻ: “Các nguyên liệu làm bánh như: trứng vịt muối, chà bông, mứt bí, tôi tự làm ở nhà để được mới và ngon hơn. Còn các nguyên liệu khác như: thịt heo, hạt sen, hạt điều, dầu ăn... tôi chọn nơi tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng rõ ràng để mua, nhằm đảm bảo ATVSTP”.
Không kém phần nhộn nhịp như những CSSX bánh trung thu khác, cơ sở bánh trung thu Phúc Khang (thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung) của chị Trương Thảo Ly (30 tuổi) đang tất bật các công việc để cho ra sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở cho ra lò hàng trăm chiếc bánh trung thu các loại từ 100 - 300gram với nhiều loại nhân đậu xanh, gà quay, thập cẩm.
Chị Thảo Ly cho biết: “Người tiêu dùng bây giờ rất kỹ khi mua bánh, nên bánh sau khi làm xong tôi vô bọc, ép chân không liền để không bị bụi, ẩm; ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì. Trong quá trình làm bánh, từ nhào bột, tạo hình bánh, nướng bánh... nhân viên ở cơ sở đều mang khẩu trang, bao tay để đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, khi có đơn đặt hàng tôi mới làm, chứ không làm bánh sớm, làm nhiều theo kiểu để dự trữ bán từ từ. Bánh làm ra tiêu thụ hết tôi mới làm tiếp, tránh để bánh lâu, khi đến tay người tiêu dùng không còn thơm ngon”.
Bên cạnh ý thức ATVSTP của các cơ sở, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, công tác kiểm tra ATVSTP trước trong và sau trung thu cũng được tăng cường. Tại tuyến tỉnh, cuối tháng 8/2019, Sở Công Thương có kế hoạch thành lập đoàn đi kiểm tra tập trung mặt hàng bánh trung thu trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, sẽ kiểm tra 40 CSSX bánh trung thu, bánh kẹo và các mặt hàng bánh dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Đến nay, có 9 cơ sở được kiểm tra và đang tiếp tục kiểm tra các cơ sở còn lại. Theo báo cáo của Sở Công Thương, hầu hết các cơ sở được kiểm tra thực hiện tốt các quy định về ATVSTP, cho thấy được ý thức sản xuất an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng của các cơ sở được nâng lên.
Ngoài ra, từ nay đến hết tháng 10/2019, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cũng đi kiểm tra các CSSX bánh trung thu về: thủ tục, hồ sơ đăng ký kinh doanh, điều kiện vật chất, vệ sinh tại cơ sở, việc bảo quản thực phẩm, lấy mẫu bánh trung thu test nhanh... Tuyến huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị: Trung tâm Y tế, Phòng Y tế phối hợp các đơn vị có liên quan thành lập đoàn đến kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm, sản xuất bánh trung thu.
Để đảm bảo ATVSTP và sức khỏe trong mùa trung thu, Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, bánh kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; trước khi mua kiểm tra kỹ nhãn, mác, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản thực phẩm. Không ham rẻ mà mua và sử dụng các thực phẩm, bánh trung thu, kẹo đã ôi thiu, nổi mốc, hết hạn sử dụng.
M.X