Huyện Hồng Ngự tạo việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 28/03/2017 16:00:22

ĐTO - Hiện huyện Hồng Ngự có 5.704 hộ nghèo. Ngay từ đầu năm, UBND huyện thực hiện nhiều chương trình dành cho hộ nghèo như: vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ cây con giống sản xuất, chăn nuôi, giới thiệu việc làm; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực hỗ trợ hội viên bằng nhiều hình thức.


Lao động ở xã Thường Phước 2 có việc làm, thu nhập ổn định tại các cơ sở may gia công

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 54 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp mở các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, hiện có trên 1.000 học viên đăng ký học. Đặc biệt, huyện chú trọng đào tạo nghề may gia công và nghề đan ghế nhựa cho người dân ở địa phương. Nhiều hộ dân tại các xã, cụm tuyến dân cư đã chủ động mở cơ sở may gia công, lấy nguồn hàng từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... về thuê lao động tại địa phương làm. Hiện tại, ở một số xã, cụm tuyến dân cư, các tổ hợp tác đan ghế nhựa, cơ sở may gia công đang hoạt động tốt, giải quyết việc làm cho nhiều lao động như: Tổ hợp tác đan ghế nhựa tại xã Phú Thuận A, xã Thường Thới Hậu B; các cơ sở may gia công Hoàng Ân, Hoàng Việt tại xã Thường Phước 2,... Chị Nguyễn Thị Hòa ngụ ấp 2, xã Thường Phước 2 chia sẻ: “Sau khi tôi nghỉ làm công nhân may ở tỉnh Bình Dương, về địa phương thất nghiệp cũng lo. Nhờ được giới thiệu đến cơ sở may gia công gần nhà làm gần 1 năm, thu nhập ổn định hơn 2,5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống gia đình được cải thiện”. Một thuận lợi khác là các chủ cơ sở và tổ hợp tác luôn tạo điều kiện để người lao động được làm việc, đối với những lao động không đến cơ sở làm việc được, có thể chuyển nguyên liệu về nhà làm và đem sản phẩm giao cho cơ sở. Anh Phạm Hoàng Ân - chủ cơ sở may Hoàng Ân (ấp 2, xã Thường Phước 2) cho biết: “Tôi lấy hàng của một công ty ở Sài Gòn. Mỗi ngày cơ sở giải quyết việc làm cho trên 15 lao động nữ. Do còn nhiều lao động ở các ấp khác và khu vực lân cận cần việc làm nên thời gian tới, tôi dự định vay vốn mua thêm một số máy may để tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn”.

Các hội đoàn thể, ngoài công tác hỗ trợ hộ nghèo về vốn, kỹ thuật, dạy nghề còn chú trọng công tác khởi nghiệp trong thanh niên, phụ nữ nông thôn. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tăng cường tuyên truyền đẩy mạnh khởi nghiệp trong phụ nữ, khuyến khích phụ nữ đăng ký các mô hình khởi nghiệp. Điển hình như mô hình làm bánh bông lan của chị Phạm Thị Bé Tư ở xã Phú Thuận B, mô hình trồng thuốc nam, thuốc bắc cung cấp cho thị trường, trồng nấm rơm, trồng ổi sạch, nuôi ếch... là những dự án đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên huyện khảo sát, xem xét để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Chị Đặng Thúy Diễm - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện đoàn cho biết: “Huyện đoàn nhận được nguồn hỗ trợ vốn vay ngân hàng 400 triệu đồng. Với những mô hình đã đăng ký, Huyện đoàn sẽ khảo sát, xem xét hiệu quả mô hình, hỗ trợ thanh niên thực hiện và sẽ nhân rộng ra các xã khác”.

Năm 2017, huyện đặt chỉ tiêu giúp 1.026 hộ thoát nghèo. Ngoài nguồn vốn giải quyết việc làm, vốn vay cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, hộ nghèo của huyện sẽ được tiếp cận với nguồn vốn để làm kinh tế thoát nghèo. Riêng từng hội đoàn thể sẽ có nhiều nguồn vốn hỗ trợ, các tổ tiết kiệm... để giúp hộ nghèo có vốn phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt năm nay, UBND huyện chỉ đạo các hội đoàn thể đẩy mạnh khởi nghiệp trong thanh niên.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn