Tăng cường các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Cập nhật ngày: 16/06/2024 05:13:43

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240616051508DT2-7.mp3

 

ĐTO - Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 88 người, 44 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 500 triệu đồng. Nguyên nhân các vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường, chuyển hướng, vượt sai quy định, sử dụng rượu bia, lái xe thiếu chú ý quan sát... Để kéo giảm các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đơn vị thành viên đề ra nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.


Công an huyện Tháp Mười ra quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (Ảnh: Nguyễn Cơ)

Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các đơn vị thành viên tổ chức, phối hợp tuần tra kiểm soát trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, tập trung các khung giờ thường xảy ra tai nạn giao thông. Xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện ôtô nhất là xe khách, xe tải, môtô là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông như: điều khiển xe quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, lái xe thiếu chú ý quan sát, lấn làn đường. Cùng với đó, huy động tối đa phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác, phân công lực lượng tổ chức rà soát, nắm tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, thường xuyên xảy ra vi phạm và tai nạn giao thông, đua xe trái phép... để bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát. Phối hợp với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn tuần tra, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông.

Ngoài ra, lực lượng Thanh tra giao thông tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các xe chở quá khổ, quá tải, xe ôtô vận tải hành khách đỗ, dừng, đón trả khách không đúng quy định; lập bến trái phép. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức lại giao thông ở một số tuyến đường thường xảy ra ùn tắc; sửa chữa các tuyến đường giao thông bị hư hỏng và phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn, chiếm hành lang an toàn đường tỉnh lộ; kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm các tuyến đường đã giải tỏa hoàn thành. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp người dân, trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, loa phát thanh, treo băng-rôn, khẩu hiệu trên các tuyến giao thông có nội dung cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông.

Tại các huyện, thành phố, Ban An toàn giao thông cùng các đơn vị thành viên phối hợp tuyên truyền an toàn giao thông trên pano, áp - phích cho người dân, học sinh; lắp đặt camera giám sát phục vụ công tác xử lý phạt nguội. Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên ký cam kết chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và đưa vào tiêu chí xét thi đua cuối năm. Khảo sát vị trí lắp đặt hệ thống biển báo hiệu đường bộ đối với các tuyến đường còn thiếu biển báo, vạch kẻ đường.

Ban An toàn giao thông tỉnh chủ động phối hợp các cơ quan: Văn phòng Quản lý đường bộ IV.3 và IV.4, Khu quản lý đường bộ lập kế hoạch giải tỏa lấn chiếm hành lang theo quy định, tổ chức khảo sát lắp đặt biển báo, lắp thêm gờ chắn cảnh báo nguy hiểm, thí điểm lắp đặt camera giám sát trên tuyến đường thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, huyện, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện kế hoạch về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông. Phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội các huyện, thành phố tuyên truyền đúng thành phần tham gia giao thông; nhân rộng mô hình “Cam kết gia đình đảng viên không vi phạm giao thông” được thực hiện hiệu quả tại huyện Tam Nông. Đầu tư camera xử lý lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh để xử lý phạt nguội.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh, huyện, thành phố thường xuyên tổ chức, tuần tra trên các đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông, xử lý lỗi đối với người điều khiển phương tiện vi phạm. UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát, xử lý việc tái lấn chiếm các tuyến đường đã giải tỏa và bàn giao cho địa phương chịu trách nhiệm theo dõi và xử lý. Tiếp tục rà soát, giải tỏa, cưỡng chế, tháo dỡ dứt điểm, triệt để tất cả các trường hợp san lấp mặt bằng trái phép, xây dựng công trình, các điểm kinh doanh, buôn bán, để vật dụng, vật liệu, trồng cây xanh lấn chiếm đất của đường bộ, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấn chiếm mới, tái lấn chiếm trở lại sau giải tỏa.

D.C

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn