Tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội nhằm hạn chế thanh thiếu niên vi phạm pháp luật
Cập nhật ngày: 04/06/2017 06:49:51
ĐTO - Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban Chỉ đạo 138/ĐP) cấp huyện trực tiếp hỗ trợ triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa TNXH.
Tang vật có liên quan đến một vụ sử dụng trái phép chất ma túy trong nhà nghỉ
Đáng chú ý là đề ra mục tiêu duy trì 24 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, 109 xã không có tệ nạn mại dâm, 17 xã không có tệ nạn ma túy và mại dâm. Đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền vận động người nghiện tham gia điều trị nghiện tại cộng đồng bằng thuốc thay thế Methadone.
Nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng thanh thiếu niên (TTN) nghiện ma túy vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật (VPPL), ngành LĐ-TB&XH, ngành công an thực hiện thường xuyên công tác cảm hóa giáo dục, đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện.
Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, có 82 người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc có nơi cư trú ổn định tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp. Số người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định được Công an các địa phương chuyển vào Cơ sở điều trị nghiện để quản lý, điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý trong thời gian chờ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét là 76 người. Số người nghiện ma túy đến cai tự nguyện là 14 người. Hầu hết người đang điều trị nghiện ma túy đều trong độ tuổi TTN, có không ít trường hợp vì lên cơn nghiện, để có tiền mua ma túy sử dụng đã thực hiện những hành vi trộm cắp.
Ngay từ đầu năm 2017, các Phòng LĐ-TB&XH tham gia phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể cấp huyện rà soát, quản lý số TTN VPPL, thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi từng gia đình có TTN VPPL để tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối tượng.
Năm nay, ngành LĐ-TB&XH toàn tỉnh được UBND tỉnh giao quản lý, cảm hóa cho 338 TTN VPPL hoặc có biểu hiện VPPL. Qua rà soát, đến nay kết quả đã giáo dục, cảm hóa, chuyển biến được 101/338 đối tượng; thanh loại khỏi danh sách là 69/338, trong đó 18 đối tượng có việc làm ổn định, 16 đối tượng đã quá tuổi, 9 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh, 21 đối tượng đi khỏi địa phương, một số đối tượng còn lại chưa trực tiếp gặp mặt do đi làm ăn, chỉ gặp cha mẹ, người thân, người đỡ đầu của đối tượng vận động giáo dục con em mình. Ngoài ra, các Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ 9 đối tượng hoàn lương chí thú làm ăn vay vốn để sản xuất, kinh doanh với số tiền 250 triệu đồng, qua đó ổn định cuộc sống.
Đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng của người chấp hành xong án tù, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành chủ trì phối hợp với Công an cùng cấp và các ngành có liên quan tiến hành rà soát, thống kê, nắm nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm và nhu cầu vay vốn của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú, đặc biệt là đối tượng TTN.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã chọn các ngành nghề phù hợp, triển khai và đưa vào kế hoạch đào tạo chung của tỉnh; giao chỉ tiêu trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề có chức năng thực hiện công tác giảng dạy, đã tổ chức dạy nghề cho 30 học viên là TTN của Cơ sở điều trị nghiện tỉnh để sau khi trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân.
Việc triển khai nghiêm túc và đồng bộ các hoạt động phòng, chống TNXH góp phần hạn chế được tình trạng TTN VPPL trên địa bàn tỉnh. Qua đó kịp thời ngăn chặn sự phát triển của TNXH và tội phạm ở địa phương.
Như Anh