Cơ quan chức năng đang nghiên cứu nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông từ đá và vật liệu giàu silic
Cập nhật ngày: 13/09/2022 11:10:50
ĐTO - Cử tri các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp có ý kiến kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có chiến lược quản lý tổng thể nguồn cát sông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm thống nhất trong quản lý, khai thác toàn vùng một cách hiệu quả, tránh trường hợp khai thác quá mức làm biến đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông như hiện nay. Đồng thời có giải pháp về vật liệu thay thế để giảm dần việc sử dụng cát sông san lấp mặt bằng, vừa gây sạt lở vừa rất lãng phí.
Bộ TN&MT đã có văn bản trả lời ý kiến kiến nghị trên. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23 ngày 24/2/2020 quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các địa phương, của lực lượng Cảnh sát đường thủy đối với việc khai thác cát, sỏi trái phép, nhất là ở vùng giáp ranh giữa các địa phương.
Nội dung Nghị định thể hiện 5 chính sách. Thứ nhất, Chính phủ thống nhất quản lý cát, cuội, sỏi theo quy định Luật Khoáng sản, hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi, gắn với bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Thứ hai, quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, cuội, sỏi lòng sông thống nhất theo lưu vực, gắn với trách nhiệm của địa phương theo địa giới hành chính. Thứ ba, quản lý cát, cuội, sỏi chặt chẽ theo 4 khâu: Từ lập quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi. Thứ tư, đấu giá cấp phép thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi. Thứ năm, khuyến khích sử dụng các nguyên liệu thay thế cát, cuội, sỏi lòng sông từ đá và vật liệu giàu silic.
Như vậy, việc quản lý khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là thống nhất. Hiện nay, Chính phủ cũng đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu các nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông từ đá và vật liệu giàu silic để từng bước giảm dần và tiến tới chấm dứt việc sử dụng cát sông san lấp mặt bằng.
Ngoài ra, cử tri tỉnh Đồng Tháp có kiến nghị Bộ TN&MT cần có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển nhượng bất động sản tràn lan; tạo sốt đất để trục lợi; xử lý nghiêm những dự án trái quy hoạch, các dự án đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư.
Về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Bộ được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV trên cơ sở bám sát, thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết số 18 ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đối với các nội dung cử tri kiến nghị, Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu, xem xét để bổ sung quy định cho phù hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
T.T