Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống

Cập nhật ngày: 27/11/2022 16:43:29

ĐTO - Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng (viết tắt là Chỉ thị số 20), các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của các cấp ủy và tổ chức đảng.


Đến nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã biên soạn và xuất bản 70 công trình lịch sử

Kết quả nghiên cứu, biên soạn

Ngay sau khi tiếp thu Chỉ thị số 20, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, ngành. Đồng thời, tỉnh đã quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng có kiến thức chuyên môn sâu, phương pháp nghiên cứu, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được các cấp ủy quan tâm, trang bị tương đối đầy đủ. Công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử được thực hiện nền nếp, khoa học, đáp ứng tốt công tác tra cứu, nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành...

Đến nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã biên soạn và xuất bản 70 công trình lịch sử, trong đó tiêu biểu là công trình Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 1927 - 2000 (gồm 3 tập). Có 12/12 huyện, thành phố xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương; 96/143 xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử đảng bộ hoặc lịch sử truyền thống cách mạng, biên niên sự kiện lịch sử đảng bộ; 41 xã, phường đang thực hiện và 6 xã, thị trấn chưa biên soạn. Các đơn vị Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn Phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh đã xuất bản lịch sử truyền thống của ngành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai biên soạn lịch sử truyền thống của ngành.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục

Những năm qua, các cấp ủy trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền thông qua các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, nói chuyện với nhân chứng lịch sử, phát động cuộc thi tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương; thực hiện có hiệu quả việc đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt chi bộ... Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng đến thanh thiếu nhi cũng được triển khai có hiệu quả trong hệ thống tổ chức Đoàn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: hội nghị, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động về nguồn, tuyên truyền trên Website, mạng xã hội, hội thi “Theo Đảng ta đi”, cuộc thi trực tuyến “Đấu trường tri thức”, tuyên truyền ca khúc cách mạng, hoạt động Chuyến xe tri thức, trưng bày, giới thiệu sách, xếp sách nghệ thuật, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...

Các huyện ủy, thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm Chính trị cấp huyện đưa nội dung “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Đồng Tháp” do Trường Chính trị tỉnh biên soạn vào chương trình giảng dạy các lớp trung cấp chính trị hành chính; các nội dung về lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy các lớp sơ cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp đảng viên mới... Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc tích hợp nội dung giảng dạy lịch sử địa phương ở trường phổ thông bằng các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, về nguồn, thi tìm hiểu về lịch sử địa phương; tổ chức cho học sinh tìm hiểu, chăm sóc người có công cách mạng, giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa địa phương.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh phải tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 20 và các văn bản chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy. Được biết, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tích cực tham mưu BTV Tỉnh ủy chỉ đạo việc biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2000 - 2020, các công trình Hồi ức, Hồi ký lịch sử các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ; tiếp tục phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ phụ trách công tác lịch sử các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Quan tâm nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Đồng Tháp, các trường cao đẳng, các Trung tâm Chính trị huyện, thành phố và hệ thống trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện biên soạn, xuất bản và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử ngành hoặc biên niên sự kiện lịch sử của ngành. Các huyện ủy, thành ủy tập trung chỉ đạo đảng bộ xã, phường, thị trấn và các ngành cấp huyện khẩn trương hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ (hoặc lịch sử truyền thống cách mạng, biên niên sự kiện lịch sử đảng bộ), lịch sử ngành; tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm phát huy giá trị, tác dụng của các công trình lịch sử Đảng.

Có thể nhận thấy, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp là việc làm quan trọng nhằm ôn lại lịch sử, truyền thống cách mạng, làm sáng tỏ nhiều vấn đề thực tiễn lịch sử, những nét đặc thù riêng từng địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tạo sức mạnh tổng hợp, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Phu Sắc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn