Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1912 - 23/11/2022)
Dấu ấn Võ Văn Kiệt trên vựa lúa Việt Nam
Cập nhật ngày: 23/11/2022 04:45:45
ĐTO - Bằng bản lĩnh, trí tuệ và sự quyết đoán, ông Võ Văn Kiệt đã có nhiều quyết định mang tính lịch sử, khai phóng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ chỗ thiếu đói vào những năm đầu thống nhất đất nước, vươn lên trở thành vựa lúa, đưa Việt Nam trở thành cường quốc lúa gạo của thế giới.
Tượng đài Võ Văn Kiệt tại Công viên văn hoá Võ Văn Kiệt tại đầu vàm kênh Võ Văn Kiệt tiếp giáp kênh Vĩnh Tế. ảnh: LT
Khai phóng Đồng Tháp Mười
Trong ký ức chưa xa của thế hệ người dân và cán bộ lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, tên tuổi ông Võ Văn Kiệt gắn liền với những công trình mang tính khai phóng cho vùng đất phương Nam. Dấu ấn, không chỉ vì ông đã ký ban hành chủ trương mang tính khai phóng nhiều vấn đề tưởng chừng như “không thể” tại 2 cánh đồng lớn nhất ĐBSCL là Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) thành hiện thực, mà còn thể hiện sự quan tâm, thấu đáo xuyên suốt hành trình triển khai thực hiện.
Sinh thời, ông Nguyễn Thanh Phong, cố Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong bài viết “Thủ tướng Võ Văn Kiệt và việc khai thác ĐTM” đã ví ông Kiệt là người “mở khoá” để biến cánh đồng hoang trở thành vùng đất trù phú, sầm uất như ngày nay. Không chỉ “vào cuộc” sớm để châm ngòi cho Chương trình khai thác và phát triển kinh tế - xã hội ĐTM (1987), bằng tầm nhìn xa, trông rộng của sự mẫn tiệp, ngay từ năm 1983, ngay sau khi vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước ông đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc khai thác ĐBSCL bằng việc thành lập Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL và sau đó là hàng loạt những chương trình mang tính kiến tạo khác, như: Khai thác và phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐTM (1987), TGLX (1988), Thoát lũ ra biển Tây (1988) và Ngọt hoá Bán đảo Cà Mau (1989)… Không chỉ tạo ra nền tảng mới, mà còn tạo ra động lực hun đúc mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay vào cuộc để nơi đây thực hiện cú vươn vai Phù Đổng khi từ vùng thiếu đói vào những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, trở thành cường quốc gạo của thế giới. “Tuy rất nhiệt tình với mong muốn khai thác ĐTM thành cánh đồng lúa “cò bay thẳng cánh”, nhưng Đồng Tháp rất lúng túng, chưa biết bắt đầu từ đâu và như thế nào với “ổ phèn khổng lồ” mà ngay các nhà khoa học nước ngoài cũng chào thua, thì mọi chuyện đã thay đổi khi ông Kiệt ra tay”- ông Phong viết. Ông Kiệt mời lãnh đạo 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp lên nhà riêng ở Thủ Đức để bàn việc khai thác ĐTM. Đây là cuộc họp rất đặc biệt. Không nghi thức, không tài liệu khoa học, ông Kiệt chỉ khơi gợi và đề nghị các địa phương quyết tâm khai thác ĐTM bằng ba mũi giáp công. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hoà giữa quyết tâm chính trị với ý kiến các nhà khoa học và kinh nghiệm truyền đời của người bản địa… Trong giờ nghỉ giải lao, ông Kiệt đã gọi ông Phong ra trao đổi riêng và đã trao chiếc chìa khoá động lực cho hành trình chinh phục thiên nhiên: “Phải mạnh dạn làm. Suy nghĩ rồi làm, chớ không nhứt thiết phải theo bài bản, sách vở gì cả! Nếu có mất, thì chỉ là một phần của ĐTM. Nếu được, thì được cho cả nước”. Sau pháo lệnh đó, Đồng Tháp thành lập Ban Khai thác ĐTM và mời gọi các nhà khoa học như: Võ Tòng Xuân, Trần Kim Thạch, Hồ Chín… đến tiếp sức. Từ đó không khí chinh phục ĐTM lan từ Đồng Tháp ra các tỉnh Long An, Tiền Giang.
Không chỉ khai mở, ông còn dõi theo và có mặt kịp thời trong suốt hành trình. Khi gặp khó trong việc đào kênh dẫn nước ngọt, đẩy lùi phèn do đất cứng, nhiều sỏi đá và sót bom đạn chiến tranh… Đồng Tháp cầu cứu, lập tức ông lệnh cho Bộ Thuỷ lợi điều động cơ giới về hỗ trợ. Nhờ đó đã tạo dựng lòng tin để người dân cùng cả hệ thống chính trị dốc hết tâm sức, dấn thân vào hành trình chinh phục…
Bên dưới tượng đài Võ Văn Kiệt là văn bia Nhớ ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt do ông Nguyễn Minh Nhị sáng tác. Ảnh LT
Dấu ấn lòng người trên Tứ giác Long Xuyên
Nếu như ở ĐTM ông là người khai phóng, thì ở TGLX, ông Võ Văn Kiệt đã để lại những dấu đẹp mãi với thời gian khi có những chủ trương đi vào lòng người trong hành trình chinh phục thiên nhiên. Điển hình là công trình Kênh Võ Văn Kiệt. “Đó là kết quả của sự táo bạo chỉ có thể có được ở người có bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn và sự quyết đoán” - ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhớ lại. Ngày 25.7.1996, trong lần về An Giang khảo sát tình hình ngập lụt, sau khi lắng nghe tiếng dân và đề xuất của lãnh đạo tỉnh An Giang và tham mưu của nhà khoa học, ông Kiệt đã có chủ trương đi vào lòng dân khi quyết định đầu tư con kênh Tuần Thống nối từ kênh Vĩnh Tế đoạn đi qua xã Lạc Quới (Tri Tôn – An Giang) chạy thẳng ra biển Tây tại Lình Huỳnh (Hòn Đất - Kiên Giang) mà không phải qua các khâu trình duyệt của thủ tục hành chính như thường lệ. Ngoại lệ hơn khi ông bản lĩnh vượt qua “rào cản” từ một số cán bộ ngành thuỷ lợi và địa phương lân cận… Chính quyết sách táo bạo này đã truyền cảm hứng để An Giang triển khai thực hiện công trình với tốc độ “kỷ lục”: Chỉ sau 4 tháng khởi công (22/4/1997 - 30/8/1997) đã hoàn thành công trình 36.700m có thiết kế mặt rộng: 30 - 36m; đáy rộng 20m, sâu 4 - 4,5m với tổng lượng đất đào 5.608.000m3, đất đắp 2.257.000m3. Công trình được ví như mảnh ghép cuối trong hệ thống thoát lũ ra biển Tây sau khi đầu tư chuỗi hệ thống cầu cạn Xuân Tô, Đập tràn Tha La- Trà Sư... TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam - một trong những nhà tham mưu về thủy lợi cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đương thời, lý giải: Việc đào kênh Võ Văn Kiệt được xem là con đường ngắn nhất đưa nguồn nước phèn không chảy vào TGLX như tự nhiên thoát ra biển Tây nhanh hơn (khoảng 3.000- 4.000m3/s). Theo TS Trường, trước khi có công trình này, lũ đầu mùa từ vũng trũng Campuchia không mang nhiều phù sa, hơi chua chảy tự nhiên vào vùng TGLX. Điều này sẽ làm hạn chế nước ngọt từ sông Hậu theo các kinh trục dọc quốc lộ 91 Châu Đốc-Long Xuyên đi vào vùng TGLX. Vì thế có thể nói, công trình này đã tạo ra dấu ấn lịch sử khi lần đầu tiên phủ nước ngọt toàn cánh đồng gần 500.000ha của TGLX. Được dòng kênh dẫn nước ngọt vào tháo chua, rửa phèn, nông dân vùng Tri Tôn, Châu Phú, Thoại Sơn (An Giang) Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang) từng bước sản xuất có hiệu quả và đưa cánh đồng phèn lớn thứ 2 ở ĐBSCL trở thành vựa lúa lớn của cả nước. “Tuy nhiên sẽ là không đầy đủ khi gọi đây là công trình trị thuỷ”- TS Trường, nhấn mạnh thêm chia sẻ - “Kết hợp đất đào kênh đổ lên hình thành tuyến dân cư cho hàng ngàn người dân có nơi an cư để lạc nghiệp, gắn bó lâu dài và thịnh vượng ngay trên vùng đất từng một thời là ám ảnh đói nghèo”.
GS.TS Võ Tòng Xuân cùng đại tá Phạm Ngọc Trọng, 2 người có nhiều hoạt động nổi bật trong thời kỳ đầu khai thác ĐTM trở lại Tân Hồng (Đồng Tháp) với niềm vui lớn khi tận mắt chứng kiến “Cánh đồng hoang” ngày nào đang trải rộng màu xanh no ấm. Ảnh: LT
Nhớ ơn ông đã quyết định đào kênh, người dân trìu mến gọi là kênh Ông Kiệt, như sự tri ân người khai mở ánh sáng ấm no, hạnh phúc... Thể hiện nguyện vọng nhân dân, HĐND tỉnh An Giang đã quyết nghị đặt tên kênh Võ Văn Kiệt thay cho tên cũ. Thể hiện tâm nguyện nhân dân, tại kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh An Giang khoá VII đã ra Nghị quyết số 24 (10/7/2009) chính thức đặt tên kênh Võ Văn Kiệt thay cho tên cũ. Để ghi nhận công trình tầm nhìn chiến lược đó, tỉnh An Giang đã cho xây dựng “Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt” tại đầu con kênh thuộc xã Lạc Quới đúng ngày giỗ lần thứ ba của ông như sự ghi nhận đóng góp với vùng đất... Bên dưới tượng đồng tạc chân dung ông là nội dung văn bia do đích thân ông Nguyễn Minh Nhị chấp bút như lưu dấu một công trình lưu danh hậu thế: “Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp Vĩnh Tế, Thoại Hà. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên mảnh đất phương Nam. Các thế hệ Việt Nam sẽ nương dòng chảy ấy, hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc...”
Lục Tùng