Một vài tấm gương…

Cập nhật ngày: 08/03/2023 08:58:22

ĐTO - Tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta, có sự đóng góp to lớn công lao, cả xương máu, tình cảm của các bà, các mẹ, các chị em. Ở tỉnh ta cũng vậy, có hàng vạn tấm gương tiêu biểu. Với khả năng, hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chỉ ghi lại một ít tấm gương phụ nữ ở địa phương mình, trên một vài lãnh vực.

Sau năm 1954, Đảng ta đi vào hoạt động bí mật. Trước sự theo dõi, rình mò, vây bắt, khủng bố của đủ loại công an, cảnh sát, mật thám, thám báo..., cán bộ ta phải bí mật ở trong nhà dân, được các mẹ, các chị nuôi chứa, đùm bọc, canh gác, lo cơm ăn, nước uống, cả đổ bô...

Khó tổng kết được số gia đình và số hầm bí mật đủ kiểu trong nhà, ngoài vườn... Mà bà con tạo ra nuôi giấu cán bộ, du kích hoạt động trong lòng địch. Như các hầm bí mật ở nhà Ba Nguyễn, Năm Hưởng, Bảy Chánh, Năm Hiển, Tư Thuận, Út Niềm...

Lòng yêu nước nào kể riêng ai. Địch đánh dấu, theo dõi các gia đình có người đi kháng chiến. Chúng nào ngờ gia đình ông Ba Đốc (Võ Văn Bé và Phan Thị A) là anh ruột của vợ Trung úy Mẫn đang khét tiếng ác ôn, đã đào hầm bí mật ngay trong gian bếp nhà mình là phủ thờ họ Võ. Chúng nào biết tại nhà Nguyễn Thị Thạo - dâu cả Hanh đương chức, từng nuôi nhiều cán bộ ta ngay trước mũi địch.

Việc nuôi chứa cán bộ trong hầm bí mật ở nhà mình, ai cũng biết rằng nếu địch phát hiện thì tan nhà nát cửa, bị bắt tra tấn, tù đày. Nhưng với lòng yêu nước, yêu cách mạng, thương cán bộ cách mạng đang gian khổ hoạt động vì nước vì dân, bà con rất sẵn sàng chấp nhận. Xin kể hai trường hợp:

Địch phát hiện hầm bí mật ở phủ thờ họ Võ của ông Ba Đốc. Chúng vây dí súng gọi hàng. Năm đồng chí chúng ta ở dưới đó đẩy nắp hầm bí mật lần lượt vọt lên, nổ súng và tháo chạy. Chúng bắn theo, anh Sánh (Bình) gãy chân, anh chửi, chúng bắn anh chết. Chúng cướp đồ đạc trong phủ thờ, đốt cháy phủ thờ và bắt bà Phan Thị A đưa về Cao Lãnh tra hỏi và bỏ tù. Ông Ba Đốc đang dẫn bò đi ăn, hay tin, trốn thoát.

Ở nhà bà Trương Thị Kỷ, ba đồng chí Mười Co, Tánh và Si đang ngủ trong mùng, vì suốt đêm các đồng chí đi hoạt động mới về. Cảnh sát Dĩ dẫn lính bao nhà, bắn vô mùng. Mười Co bị thương chạy khỏi. Tánh và Si chết trong mùng. Chúng đốt nhà và bắt trói bà Trương Thị Kỷ dẫn về đồn, tra tấn, bóp cổ bà đến chết. Máu trào ra hai mép miệng, lỗ tai và trong miệng bà còn bị nhét miếng khăn choàng tắm.

Bà Võ Thị Nơi đào hầm bí mật chứa đội du kích ở bụi tre sau hè. Tên Bảnh đi chiêu hồi. Nó đã từng ở hầm bí mật này. Năm đồng chí đang ở trong hầm. Giữa ban ngày trong vùng địch, các đồng chí không thể tự rút đi nơi khác. Phải đi ngay vì có thể Bảnh sẽ dẫn địch tới khui hầm. Bà và chị Sáu Kiềm dùng chiếc ghe nhỏ chở 5 du kích, 5 khẩu súng nằm dưới lườn ghe, trên ngụy trang củi, chuối..., tức thì đi theo rạch Bà Sóc ra sông Cao Lãnh, chạy vô rạch Cầu Gỗ. Bọn thám báo từng tới lui nhà bà đang gác tại đây. Chúng hỏi: “Bà đi đâu vô trỏng hoài vậy?”. Bà bình tĩnh đáp: “Đi mượn lúa về ăn”. Ghe lướt qua, đưa 5 chiến sĩ ta vô Kinh Ông Kho an toàn. Tên Bảnh sau bị ta trừng trị.

Ở chùa Hồng Liên, bà Trần Thị Trẻ tu tại chùa đã cùng hai tu sĩ là Ba Long, Ba Diệm đào hầm bí mật cạnh bụi tre mở sát rạch Bà Dưa phía sau chùa. Các đồng chí: Năm Vinh, Năm Đậu, Sáu Láng... từng ở đây, ban ngày xuống hầm, ban đêm lên hoạt động. Bà còn là đầu mối liên lạc giữa chi bộ xã với các nơi. Trận đánh tháng 5 năm Mậu Thân 1968 suốt 5 ngày của Tiểu đoàn 502. Bộ đội ta rút đi. Chập tối, bà Trần Thị Trẻ và bà Nguyễn Thị Tuội, cùng các ông Nguyễn Văn Tú, Phan Văn Bá, Nguyễn Văn Trinh... đến trận địa gom 18 xác chiến sĩ ta hy sinh, đưa về giấu trong vườn xoài của hòa thượng Thích Thiện Quả ở Khai Long. Suốt 3 đêm sau, hai bà chỉ huy dùng xuồng nhỏ lần lượt chuyển hết xác các chiến sĩ theo rạch Bằng Lăng, Kinh Hòa Tây, qua Kinh Ông Cả vô vùng giải phóng chôn cất chu đáo.

Là cán bộ khi sa vào tay giặc tất cả bị tra tấn dã man hòng khai thác lời khai theo ý chúng. Cũng chưa ai thống kê được suốt 21 năm chống Mỹ, ở tỉnh nhà nói riêng đã có bao nhiêu các bà, các chị, các em gái bị chúng bắt tra tấn, giam cầm, tù đày. Trong số đó, mức độ chịu đựng sự tra tấn man rợ đủ các bài bản từ dùng tay chân đấm đá, dùng cây, quay điện, treo người “đi máy bay”, đổ nước... Có chị Lê Thị Phương quê Thiện Mỹ (Ba Sao). Với dáng vóc nhỏ thấp, người con gái đó có sức chống trả gan lì. Riêng món đổ nước, chị bị lột trần truồng, hai đùi và hai cổ tay bị buộc chặt xuống bàn, mặt bị phủ vải xếp nhiều lớp. Bầy quỷ sứ mất hết tính người xúm quanh chị, một tên nắm tóc ghịch đầu chị xuống, chúng mở van thùng nước đặt trên cao, vòi nước xà xà đổ vô mặt vừa ngộp thở phải nuốt nước vô bụng, vừa bị hai tên hai bên bóp mạnh hai bên sườn non, một tên cầm roi mây đánh mạnh vào lòng hai bàn chân, vừa thét: “Có khai không?”. Đến khi chị bất tỉnh, chúng đạp lên bụng chị cho ọi nước ra. Vừa tỉnh lại bị đổ nước nữa, cứ như vậy tới thùng nước thứ 13!

Dã man hơn là chúng hòa xà bông, bột ớt vô thùng nước. Hết “bài bản” chúng hậm hực, bất lực trước người con gái có da thịt, biết đau như mọi người, nhưng trong đó có tinh thần bằng thép.

Trong cuộc đấu tranh chánh trị đòi dân sinh (đòi địch không bắn ô buýt vô xóm làng, không càn quét, để Nhân dân yên ổn, tự do đi lại làm ăn...) ngày 5/3/1961 của hơn 10 ngàn người kéo vào thị xã Cao Lãnh. Địch hoảng hốt xua các sắc lính, cả xe nồi đồng xả súng bắn vào các đoàn người tay không, hầu hết là chị em phụ nữ. Ở cánh trên vừa qua cầu Kinh Cụt, địch báo động, cho xe nồi đồng chạy lên chặn lại tại hãng nước đá Nhơn Hòa. Chị Ba ở Thanh Bình bị thương ở trán, một tay bồng đứa con nhỏ, một tay bụm vết thương, chị vừa lết lên vừa động viên bà con cứ tiến tới. Chị Ba ở Tân Phú đi đầu bị trúng đạn gục xuống, miệng thôi thúc bà con cứ tiến lên! Em Bế mới 16 tuổi con ông Lợi ở kinh Vạn Thọ cũng bị bắn chết. Tàn bạo như vậy nhưng bọn địch không chặn được đoàn người như thác đổ kéo xuống chợ, qua dinh tỉnh trưởng đưa yêu sách. Ở cánh huyện Cao Lãnh lên, bà con đi bằng xuồng theo sông Cần Lố ra sông Cao Lãnh. Địch hoảng sợ cho lính bắn rọc hai bờ sông, ném lựu đạn phía trước, không cho đoàn xuồng cặp vô bờ và bơi tới trước. Ở Xóm Bún, bà Bướm bị thương quỵ xuống, vẫn khoát tay giục mọi người cứ tiến lên. Anh Dừa ở Long Hiệp bị bắn đổ ruột. Thấy mọi người vây quanh lo băng bó cho anh, anh dũng cảm bứt ruột chết, để bà con bỏ anh nằm đó, xông lên. Bọn cảnh sát chứng kiến phải gục mặt trước tấm gương anh dũng tuyệt vời của anh.

Ở đây, không sao kể hết công lao các mẹ, các chị em trên mọi mặt đối với cách mạng.

Khi có vùng giải phóng, các cơ quan đóng trong nhà dân. Bộ đội thường về đóng quân dài theo xóm. Các mẹ trong Hội Mẹ chiến sĩ đi vận động, quyên góp nào bầu, mướp, gà vịt, dừa tươi, chuối chín... mang tới ủy lạo bộ đội. Chị em chia nhau tới từng tiểu đội và quần áo rách cho chiến sĩ. Nổi tiếng là má Năm ở Phong Mỹ, gần cầu Kinh Ông Cả. Nhà má lúc nào cũng sẵn sàng đón các cán bộ, chiến sĩ dù quen hay lạ đi công tác dừng chân. Gạo đó, cá mắm đó, má niềm nở như người ruột thịt lo cơm ăn, nước uống. Má Tám ở Kinh Nhứt Thanh Mỹ, nhà má Thường trực Tỉnh ủy thường đóng. Má có biệt tài là anh em “cán bộ mùa thu” (tức đi tập kết ra Bắc giờ trở lại miền Nam chiến đấu), thường đến nhờ má đi liên lạc với gia đình. Chỉ cần tấm ảnh và bức thư nhỏ làm tin, má giấu trong giỏ trầu, đi tìm gia đình cho anh em mình, dù ở Bến Tre, Trà Vinh hay ở đâu xa, má đều lặn lội tìm tới và rước người thân anh em đưa vô.

Đó là chưa nói đến trên 900 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh ta, mà mỗi mẹ là một sự tích anh hùng. Đó là chưa nói tới những tấm gương hy sinh anh hùng của chị Trần Thị Thu (Kim Hồng) ở Hòa An, chị Cúc - Bí thư Chi bộ xã Tịnh Thới; hay can đảm một mình tới trận địa vừa tàn, bồng bế 9 tử sĩ xuống tam bản, lại phải khiêng người lên, kéo ghe qua đập, khiêng xuống, bơi quãng đường dài ban đêm, về tới nơi là ngất xỉu của chị Nguyễn Thị Kim Xuyến. Các chị đều đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân. Thấy những chuyện xúc động lòng người, phục sự thủy chung của những chị có chồng tập kết ra Bắc, đằng đẵng hàng chục năm, vừa nuôi con thơ, vừa lo công tác như: chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, chị Ba Thùy Nhiên...

Đó là chưa nói đến các chị em trong Trung đội nữ của chị Thu Huyền vượt qua bao nhiêu đồn bót, vượt đường, vượt sông tải vũ khí từ Bến Tre về; các chị em công tác ở trạm xá quân y, dân y, trạm giao liên, đội giao liên hỏa tốc, trong các đội thanh niên xung phong, các cơ quan Tỉnh ủy, Ban Dân vận mặt trận, xưởng Quân giới, nhà in, văn công... không ít người phải hy sinh, thương tật, bị bắt tù đày.

Khó lòng kể hết! Chỉ khẳng định rằng, các con cháu Bà Trưng, Bà Triệu ở xứ sở này, đã góp phần mình vào chiến thắng chung của dân tộc ta, và làm chói sáng thêm muôn đời tám chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam.

NGUYỄN ĐẮC HIỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn