Nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho người dân và doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 11/10/2022 09:57:05

ĐTO - Cử tri tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều kiến nghị liên quan lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trong đó, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội có tỷ lệ % chi ngân sách dành cho chương trình chuyển đổi số và có chế độ ưu đãi với nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), nhân lực có trình độ cao về CNTT làm trong cơ quan nhà nước, có chế độ thu hút nhân tài trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đồng thời đẩy mạnh chương trình khoa học công nghệ, chuyển đổi số để hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước sớm hoàn thành chương trình chuyển đổi số tại địa phương trong các ngành như: du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế...

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản trả lời các ý kiến kiến nghị trên. Trong đó, về tỷ lệ % chi ngân sách dành cho chương trình chuyển đổi số, Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: “Kinh phí thực hiện Chương trình này bao gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số”.

Mức trung bình mà Chính phủ các nước chi cho chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số là khoảng 1% ngân sách. Trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định trách nhiệm: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án bảo đảm kinh phí, phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới”.

Về chính sách hỗ trợ đặc thù cho cán bộ làm công tác CNTT, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để có chính sách ưu đãi hỗ trợ đặc thù cho cán bộ làm công tác CNTT, tỉnh xem xét xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đảm bảo phù hợp tinh thần Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8476 ngày 6/9/2019 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 163 ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định từ nguồn ngân sách địa phương, đảm bảo đúng quy định.

Thời gian tới, để đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường triển khai các giải pháp sau: Phổ biến, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền.

Cùng với đó, triển khai thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng để kịp thời hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số từ Trung ương đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở; tham gia vào mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc; đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và đẩy mạnh việc hiện thực hóa chủ trương này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146 ngày 28/1/2022 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức, truyền thông về chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án.

Một số nội dung mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với các địa phương để giúp người dân nhận thức rõ hơn về chuyển đổi số cũng như thụ hưởng các thành quả từ chuyển đổi số là việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Đến nay, 41/63 dịa phương đã triển khai với 36.300 Tổ với gần 200.000 thành viên tham gia, triển khai đến tận thôn, xóm, thúc đẩy triển khai sử dụng các nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp tại địa phương...

Thời gian tới, Bộ tiếp tục quyết liệt thúc đẩy triển khai các nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho người dân và doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi số.

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn