Tỉnh quyết tâm và kỳ vọng lớn vào chuyển đổi số
Cập nhật ngày: 10/10/2022 09:55:16
ĐTO - (Ông Đoàn Thanh Bình - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp nhân Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp 10/10).
PV: Xin ông cho biết vì sao tỉnh Đồng Tháp chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh?
Ông Đoàn Thanh Bình - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp
Ông Đoàn Thanh Bình (Đ.T.B.): Thứ nhất, ngày 10/10 bao gồm số 0 và 1, là hai số của hệ thống số nhị phân, là ngôn ngữ căn bản của máy tính và cũng là hình ảnh tượng trưng kinh điển cho công nghệ thông tin trước đây và công nghệ số của thời đại ngày nay. Thứ hai, số 10 thể hiện cho sự trọn vẹn, tuyệt đối. Do đó, con số 10/10 (mười trên mười) là một điểm số, một công việc được đánh giá là hoàn hảo.
PV: Ngày CĐS năm nay, tỉnh có những hoạt động gì?
Ông Đ.T.B.: Là năm đầu tiên tổ chức ngày CĐS, vì vậy, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: phát động phong trào thay đổi ảnh đại diện trên Facebook với nội dung tuyên truyền ngày 10/10 là Ngày CĐS Quốc gia; các Tổ công nghệ số cộng đồng ra quân hỗ trợ người dân ứng dụng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng e-Dongthap...; tổ chức hội thảo CĐS ngành giáo dục tại Công viên phần mềm Quang Trung vào ngày 7/10/2022 với sự tham gia của 120 đại biểu. Dịp này, tỉnh cũng tổ chức hội nghị công bố Ngày CĐS và Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố; công bố nền tảng dữ liệu số nông nghiệp và ký kết biên bản ghi nhớ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam về phối hợp triển khai “CĐS ngành nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp”.
PV: Công tác CĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tập trung như thế nào, vài kết quả nổi bật?
Ông Đ.T.B: Dù mới bắt đầu hành trình CĐS, nhưng thời gian qua, chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã gặt hái được một số thành tựu quan trọng. Về mặt thể chế, ngoài việc ban hành Nghị quyết và Đề án về CĐS, từ năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tỉnh và UBND cấp huyện phải đăng ký ít nhất 1-2 mô hình CĐS tiêu biểu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, địa phương và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022. Đồng Tháp cũng là tỉnh thứ 2 trên cả nước (sau Yên Bái) thành lập Trung tâm CĐS để chủ trì thực hiện các nhiệm vụ trong tâm về CĐS, xây dựng đô thị thông minh của tỉnh. Điều đó, cho thấy sự quyết tâm và kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo tỉnh vào CĐS.
Hạ tầng số của tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, dựa trên các tiêu chuẩn mở, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu kết nối, liên thông với các ngành, địa phương. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được chú trọng và đã trở thành nhu cầu tự nhiên của cán bộ, công chức. Cụ thể: 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính nối mạng và hộp thư điện tử công vụ đáp ứng nhu cầu công việc; 100% văn bản đi, đến giữa các cơ quan nhà nước trực thuộc tỉnh đều được trao đổi dưới dạng văn bản điện tử có ký số theo quy định; việc tổ chức họp trực tuyến đã trở thành thói quen và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các cơ quan nhà nước; hệ thống thông tin báo cáo tỉnh đã được đưa vào sử dụng chính thức, bảo đảm phù hợp với yêu cầu liên thông, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan Trung ương.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp ngày càng tăng. Hiện nay, tỉnh đã cung cấp được 1.131 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Nếu như tỷ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2021 chỉ đạt 6,12% thì trong 9 tháng năm 2022 đã tăng lên đến 93,6%. Môi trường mạng trở thành một kênh thông tin giao tiếp rất quan trọng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền. 9 tháng qua, các cơ quan nhà nước đã tiếp nhận và trả lời 2.400 ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính, an toàn giao thông, trật tự đô thị... qua Tổng đài 1022.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng được quan tâm đúng mức, hầu hết máy tính trong các cơ quan nhà nước đã được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm dữ liệu tỉnh được giám sát an toàn thông tin 24/7, bởi đơn vị tư vấn độc lập và Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng Quốc gia, đồng thời được kiểm tra đánh giá định kỳ hàng năm. Hệ thống giám sát thông tin báo chí và mạng xã hội cũng được triển khai, kịp thời nắm bắt thông tin, dư luận xã hội để phát huy những mặt tích cực, đấu tranh, xử lý các thông tin tiêu cực. Đây là công cụ hữu hiệu giúp chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh có biện pháp ngăn chặn hoặc kịp thời ứng phó với các cuộc khủng hoảng truyền thông trong thời gian qua.
PV: Những hạn chế, khó khăn trong CĐS của tỉnh hiện nay?
Ông Đ.T.B.: Bên cạnh những kết quả đạt được, hành trình CĐS của tỉnh Đồng Tháp cũng xuất hiện những hạn chế, khó khăn như: vẫn còn một số lãnh đạo địa phương, đơn vị còn nghĩ rằng CĐS là của ngành thông tin và truyền thông nên chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo CĐS trong địa phương, đơn vị mình phụ trách; nhiều cá nhân, đơn vị rơi vào “bẫy công nghệ”, cho rằng CĐS trước tiên là phải thay đổi về công nghệ nên tập trung quá nhiều vào việc đầu tư, mua sắm trong khi chưa hình thành được kho dữ liệu số và nguồn nhân lực khai thác nó. Từ đó, dẫn đến sự lãng phí trong công tác đầu tư.
Tỉnh Đồng Tháp không nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số còn khá non trẻ, thiếu sức cạnh tranh nên tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh còn thấp.
Khó khăn nữa là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác dữ liệu của người dân ở khu vực nông thôn còn hạn chế; tình trạng mất an toàn, an ninh thông tin vẫn còn rải rác ở một số nơi làm gián đoạn hoạt động của các đơn vị bị ảnh hưởng.
PV: Những việc trọng tâm của tỉnh trong CĐS thời gian tới?
Ông Đ.T.B.: Tỉnh tiếp tục củng cố hạ tầng số, sẵn sàng triển khai các hệ thống thông tin, nền tảng số trên địa bàn; thúc đẩy việc xây dựng các hệ thống thông tin chuyên ngành theo hướng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hướng tới hình thành kho dữ liệu dùng chung và cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ CĐS. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng; tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn tỉnh...
PV: Xin cảm ơn ông!
Thành Nam (thực hiện)