Cá chạch tốt cho người bệnh gan và đái tháo đường
Cập nhật ngày: 17/04/2013 07:08:39
Cá chạch không những có giá trị bổ dưỡng cao mà còn có khả năng phòng chống bệnh tật. Người xưa gọi cá chạch là “nhân sâm dưới nước”, sống trong ao hồ, đầm lầy, ruộng nước...
Cá chạch có nhiều tên gọi khác nhau như thu ngư, hòa thu, nê thu..., tên khoa học của nó là Misgurnus anguillicaudatus (Cantor). Theo phân tích của dinh dưỡng học hiện đại, trong 100g thịt cá chạch chứa 83g nước, 9,6g protid, 3,7g lipid, 2,5g glucid và 1,2g chất khoáng. Như vậy, thịt cá chạch có lượng mỡ khá thấp nhưng lượng đạm lại phong phú, cao hơn nhiều so với các loại thịt và cá khác.
Cá chạch rán vàng
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, cá chạch vị ngọt, tính bình, có công dụng bồi bổ tỳ vị, dưỡng thận trừ thấp, làm hết vàng da, cầm đi lỏng và có lợi cho dương sự. Dưới dạng các món ăn - bài thuốc (dược thiện), cổ nhân thường dùng cá chạch để chữa các chứng bệnh như tiêu khát (tiểu đường), dương nuy (liệt dương), trĩ, viêm gan, mụn nhọt, lở loét ngoài da... Xin giới thiệu một số phương cách dùng cá chạch để bồi bổ sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
Bài 1: cá chạch rán vàng 120g, hoàng kỳ 15g, đẳng sâm 15g, hoài sơn 30g, đại táo 15g, gừng tươi 5g. Tất cả đem sắc kỹ, lấy nước bỏ bã, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: bồi bổ tỳ vị, dưỡng huyết, dùng thích hợp cho người suy nhược cơ thể, gầy yếu, thiếu máu, trẻ em suy dinh dưỡng.
Bài 2: cá chạch 250g, đậu phụ 500g. Cá chạch làm sạch, bỏ đầu đuôi; đậu phụ thái miếng đem nấu chín rồi cho cá chạch vào đun sôi một vài phút là được, chế thêm hành, gừng tươi và gia vị, dùng làm canh ăn. Công dụng: bổ tỳ vị, trừ thấp, dùng thích hợp cho người bị viêm gan vàng da, tiểu tiện không thông.
Bài 3: cá chạch 250g, mỡ lợn, hạt tiêu và gia vị vừa đủ, nấu thành canh ăn liền trong nửa tháng. Có thể thêm tôm sông tươi 30g và một chút rượu vang. Công dụng: bổ thận trợ dương, có lợi cho dương sự, dùng thích hợp cho người bị liệt dương, suy giảm khả năng tình dục.
Bài 4: cá chạch 250g, cát cánh 6g, địa du 18g, hoa hòe 9g, kha tử 9g. Tất cả đem sắc kỹ, bỏ bã lấy nước uống. Công dụng: chữa trĩ xuất huyết, trĩ sa không tự co lên được.
Một nghiên cứu được tiến hành trên 40 bệnh nhân bị viêm gan truyền nhiễm, kết quả có 24 bệnh nhân hết hẳn các triệu chứng lâm sàng, gan hết sưng, chức năng gan được phục hồi hoàn toàn; 11 bệnh nhân cơ bản hết các triệu chứng, chức năng gan được cải thiện, gan đỡ sưng; chỉ có 5 bệnh nhân không có tác dụng, bài thuốc đạt hiệu quả 87,5%. Các nhà y học Trung Quốc nhận thấy, cá chạch có tác dụng lợi mật, làm hết vàng da khá nhanh và có khả năng bảo vệ tế bào gan, làm hạ men gan tương đối tốt. Đối với trường hợp viêm gan mạn tính, cá chạch cũng có tác dụng điều trị ở một mức độ nhất định.
Cách dùng cá chạch để chữa bệnh tiểu đường: lấy 10 con cá chạch bỏ đầu đuôi, làm sạch, phơi hoặc sấy khô, đốt thành than rồi tán bột; lá sen tươi phơi khô tán bột, hai thứ lượng bằng nhau, trộn đều, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2 thìa nhỏ.
Theo SK&ĐS