Đái tháo đường tấn công người trẻ

Cập nhật ngày: 11/12/2013 04:50:46

60% bệnh nhân bị đái tháo đường loại 2 không được phát hiện sớm hoặc phát hiện khi đã có biến chứng. Đáng lo ngại, bệnh đang tăng lên ở nhóm người ít nguy cơ.


Thể dục giúp tránh nguy cơ mắc đái tháo đường

Bệnh tăng nhanh ở người trẻ

Theo TS Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nội tiết T.Ư, trong vòng 10 năm qua tỷ lệ người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) loại 2 ở người trưởng thành tại Việt Nam tăng từ 2,3% (năm 2002) hiện đã ở mức 5,7%. Trong 10 năm qua, tỷ lệ mắc ĐTĐ tại Việt Nam tăng hơn 200%, cao gấp 2 lần so với mức gia tăng của thế giới. Đặc biệt tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, tỷ lệ mắc ĐTĐ ước đã lên đến 10%.

Theo TS Nguyễn Vinh Quang, phần lớn bệnh nhân được phát hiện ĐTĐ loại 2 khi đã khá muộn, có các biểu hiện biến chứng: gầy gò, sụt cân, háo khát, tiểu nhiều, uống nhiều nước.

TS Đỗ Trung Quân, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết có bệnh nhân nam đến khám vì rối loạn cương. Nhưng sau khi khám và xét nghiệm, bệnh nhân đã được chẩn đoán là ĐTĐ. Lúc này bệnh nhân kể: “Tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, uống bia đều. Gần đây tôi thấy đi tiểu nhiều nhưng cứ nghĩ là do uống bia và tiểu nhiều như vậy là thận khỏe. Chỉ đến khi thấy hơi mệt và trục trặc chuyện vợ chồng thì đi khám”.

“Háo khát, sụt cân là biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân ĐTĐ khi đến khám. Bệnh có thể gây các tai biến về tim mạch, thận, mắt, vết thương lâu lành, đặc biệt là biến chứng loét bàn chân. Với nam giới, rối loạn cương là một trong những biến chứng của ĐTĐ”, TS Đỗ Trung Quân cho biết. ĐTĐ loại 2 đã tăng lên ở người trẻ (dưới 40 tuổi) và xuất hiện nhiều ở trẻ em là những đối tượng vẫn được coi là ít nguy cơ.

Lưu ý khi điều trị

Theo TS Đỗ Trung Quân, dù chưa có thống kê chi tiết nhưng các bệnh nhân mắc ĐTĐ ở lứa tuổi còn trẻ là cư dân TP đã gặp thường xuyên hơn ở cả nam và nữ, trong mọi ngành nghề công tác: công chức, viên chức, nghệ sĩ, và cả ở phụ nữ mang thai. TS Đỗ Trung Quân cho rằng lối sống ít vận động, ăn uống dư năng lượng dẫn đến thừa cân béo phì là yếu tố quan trọng gây bệnh. Để phòng ĐTĐ, cần kiểm soát cân nặng, duy trì vận động thể lực với 30 - 40 phút thể dục mỗi ngày với các hình thức phù hợp: đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp.

TS Nguyễn Vinh Quang lưu ý, người mắc ĐTĐ cần ăn uống hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ; dùng thuốc đúng giờ (đặc biệt là người phải dùng insulin) để duy trì đường huyết ổn định, tránh bị biến chứng hạ đường huyết. Bác sĩ cũng cho lời khuyên: “Người mắc ĐTĐ nên tập thể dục sau ăn tối 2 giờ để kiểm soát đường huyết hiệu quả”.

Theo TS Vinh Quang: “Chúng tôi đã gặp một số bệnh nhân tự ý dùng thuốc nam (là những bài thuốc chưa được thẩm định, chưa đạt chuẩn) để trị ĐTĐ, sau đó phải nhập viện do tăng men gan, suy gan. Cũng chưa có nghiên cứu nào để khẳng định thực phẩm chức năng điều trị được ĐTĐ mà chỉ là hỗ trợ điều trị”.

Nên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ (béo phì, sau 40 tuổi, có rối loạn mỡ máu, gia đình có người thân bị ĐTĐ) để được phát hiện bệnh từ sớm.

Liên Châu(TNO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn