Kẹo nha - Vị thuốc bổ tỳ dưỡng vị

Cập nhật ngày: 19/10/2012 06:59:40

Kẹo nha thường gọi là kẹo mạch nha, có nguồn gốc từ ngũ cốc, được tạo ra qua quá trình lên men sinh học, thủy phân tinh bột thành đường. Từ cổ xưa, dân gian đã biết chế kẹo nha từ gạo nếp và mầm lúa. Dùng 10kg gạo nếp nấu thành xôi, trộn với 1kg mộng lúa già, phơi khô nghiền nhỏ, thêm nước ấm chừng 45-500C, đảo đều, tạo một hỗn hợp sền sệt, đậy kín đem ủ để duy trì nhiệt độ khoảng 12 giờ, qua đêm, sau đem ép bã, lọc lấy dịch trong rồi cô đặc. Kẹo nha làm từ nếp có mùi thơm, màu hơi vàng, trong, thể chất dẻo tùy theo mức độ và kỹ thuật cô. Kẹo nha là nguyên liệu trong chế biến bánh kẹo.

Trong Đông y, kẹo nha là vị thuốc quý có tên gọi di đường hay giao di. Thành phần hóa học chủ yếu là đường maltose, một ít protid, lipid, vitamin C, B… Di đường vị ngọt, tính ôn quy hai kinh tỳ, phế. Tác dụng bổ trung, ích khí bổ tỳ, nhuận phế giải độc phụ tử, ô đầu.

Một số phương thuốc có di đường:

Trường hợp cơ thể suy nhược, gầy yếu, mệt mỏi, ăn kém, mất ngủ, chân tay lạnh, người xanh xao, khí huyết hư suy. Dùng thục địa 10g, can khương 16g, đẳng sâm 8g, di đường 60g, 3 vị đầu đem sắc lấy dịch thuốc, rồi pha di đường vào uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống 7-10 ngày liền.

Nếu có các chứng dương hư, âm hàn thịnh, vùng ngực lạnh đau, không ăn được, đau đầu hoặc đau bụng âm ỉ do hàn tích, rêu lưỡi trắng trơn, mạch vi tế hoặc chân tay quyết lạnh, mạch phục hoặc sôi bụng đi phân lỏng, nguyên nhân do hàn ẩm tích ở trong. Phải ôn trung bổ hư, giáng nghịch, chỉ thống, dùng bài Đại kiến trung thang gồm: thục tiêu 12g, can khương 16g, nhân sâm 8g, di đường 80g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trường hợp các chứng hư nhược, lý cấp, đau bụng thích chườm nóng hoặc dương hư phát nhiệt gây phúc thống hoặc vùng ngực máy động, cần phải ôn trung bổ khí hòa lý, chỉ thống. Dùng bài Hoàng kỳ kiến trung thang: thược dược 24g, quế chi 12g, sinh khương 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g, di đường 80g, hoàng kỳ 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa phụ nữ sau đẻ, người suy yếu, bất túc, bát mạch hư suy, bụng đau lâm râm, thiểu khí hoặc bụng dưới đau cấp lan sau lưng, không ăn uống được. Điều trị phải ôn trung, bổ huyết hư, hòa lý chỉ thống. Dùng bài Đương quy kiến trung thang: đương quy 12g, thược dược 24g, quế chi 12g, sinh khương 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g, di đường 80g. Sắc uống ngày 1 thang, uống ấm trước bữa ăn.

Trường hợp hư lao, bụng đau thích xoa, thích chườm ấm lưỡi nhợt, mạch tế hoặc tâm quý hư phiền, không yên, lòng bàn tay, bàn chân nóng, tê mỏi. Dùng bài Tiểu kiến trung thang: bạch thược 12g, quế chi 6g, sinh khương 4g, cam thảo 4g, đại táo 12g, di đường 40g, sắc uống ngày 1 thang.

Khi bị ngộ độc ô đầu phụ tử dùng di đường ăn để giải độc.

Theo SK&ĐS

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn