Tiểu ra máu: Bệnh gì?
Cập nhật ngày: 19/11/2012 08:12:08
Đi tiểu ra máu là một triệu chứng rất thường gặp ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ. Một số trường hợp tiểu ra máu không nguy hiểm, thậm chí tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị gì. Nhưng trong phần lớn các ca, tiểu máu là biểu hiện của các chứng bệnh nguy hiểm chết người.
Thế nào là tiểu máu?
Tiểu máu là hiện tượng trong nước tiểu có nhiều hồng cầu. Bình thường, màng lọc cầu thận giữ không cho hồng cầu ra nước tiểu.
Tiểu máu có 2 loại chính: Tiểu máu đại thể là khi lượng hồng cầu trong nước tiểu nhiều nên nhìn bằng mắt thường có thể thấy nước tiểu màu đỏ hoặc vàng sậm, thậm chí có thể thấy cục máu đông, dây máu ra theo nước tiểu. Tiểu máu vi thể là khi lượng hồng cầu trong nước tiểu ít, không đủ để làm đổi màu nước tiểu nên chỉ được xác định khi quan sát dưới kính hiển vi. Nếu lượng hồng cầu quá nhỏ, phương pháp làm cặn Addis có thể được áp dụng để "cô đặc" lượng hồng cầu lại cho dễ xác định xem bệnh nhân có bị tiểu ra máu hay không.
Tiểu ra máu thường kèm với các triệu chứng của nguyên nhân gây ra tình trạng này hoặc kèm với đi tiểu ra mủ, sỏi nhỏ hoặc dưỡng chấp.
Căn nguyên của nhiều chứng bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng tiểu máu, trong đó nhiễm khuẩn đường tiết niệu là nguyên nhân hàng đầu. Vi khuẩn thâm nhập đường tiết niệu, gây viêm và làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, bàng quang, niệu quản, đài bể thận, cầu thận... là nguyên nhân khiến cho hồng cầu ra nước tiểu. Triệu chứng của viêm đường tiết niệu phụ thuộc vào vị trí bị viêm như sốt cao, tiểu buốt, tiểu dắt (viêm niệu đạo, bàng quang); sốt cao, rét run, đau hố thắt lưng... (viêm thận - bể thận). Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm, cấy máu, nước tiểu hoặc nội soi bàng quang. Lao đường tiết niệu thường xuyên có biểu hiện bằng đi tiểu máu và nguyên nhân này phải được loại trừ ở bất kỳ bệnh nhân nào tiểu ra máu có hội chứng nhiễm khuẩn kèm theo.
Sỏi đường tiết niệu cũng là nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân đi tiểu ra máu nhiều lần. Sỏi có thể ở nhiều vị trí khác nhau của đường tiết niệu như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và thậm chí sỏi kẹt ở... niệu đạo. Sỏi hệ tiết niệu gây tiểu ra máu khi di chuyển xuống dưới làm tổn thương lớp niêm mạc đường tiết niệu. Sỏi cũng thường là nguyên nhân nhiễm khuẩn tiết niệu làm bệnh nhân đi tiểu ra máu. Sỏi hệ tiết niệu có thể được xác định dễ dàng bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp Xquang, siêu âm, chụp cắt lớp trước khi quyết định biện pháp điều trị.
Sỏi thận, sỏi đường tiết niệu là nguyên nhân gây tiểu ra máu.
Ở người cao tuổi, nếu bị tiểu ra máu phải luôn cảnh giác với các khối u của hệ tiết niệu như u bàng quang, u thận. Triệu chứng của loại nguyên nhân này đôi khi không rõ ràng. Bệnh nhân chỉ cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, ăn uống kém, đau tức vùng hạ vị và đi tiểu ra máu. Lúc đầu chỉ có tiểu máu vi thể nên bệnh nhân không để ý. Chỉ đến khi đái máu đại thể mới đến khám thì khối u có khi đã ở giai đoạn xâm lấn và di căn nhiều nơi. Vì vậy, trước một bệnh nhân có tuổi bị tiểu máu, các biện pháp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng (đặc biệt là nội soi bàng quang) phải được tiến hành nhằm loại trừ nguyên nhân do ung thư. Các khối u lành tính khác như polyp bàng quang... cũng có thể gây chứng tiểu máu nhưng không nhiều.
Tiểu máu vi thể là triệu chứng luôn có của các tổn thương viêm cầu thận. Loại hình này hay gặp trong các bệnh hệ thống (lupus ban đỏ...), bệnh thận do đái tháo đường, bệnh viêm mạch (vasculitis) thận. Tiến triển của tiểu máu trong trường hợp này phụ thuộc vào đáp ứng điều trị của bệnh chính. Các bệnh lý như thận đa nang, huyết khối động mạch, tĩnh mạch thận... cũng là nguyên nhân gây tiểu máu.
Một số bệnh lý về máu có thể gây tiểu máu như bệnh bạch cầu cấp và mạn, bệnh Hemophilia, bệnh máu khó đông... Những bệnh này ngoài triệu chứng tiểu máu còn có những triệu chứng xuất huyết ở nhiều nơi khác như xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng... Làm công thức máu, huyết đồ, tủy đồ, thời gian máu chảy, máu đông sẽ chẩn đoán được.
Khi sử dụng một số thuốc, phải hết sức chú ý đến khả năng có thể gây chứng tiểu máu như các thuốc chống đông (heparin, kháng vitamin K), các thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirin), thuốc chống ung thư (cyclophosphamid). Khi dừng các loại thuốc này, triệu chứng tiểu máu sẽ hết.
Ngoài các nguyên nhân trên, các nguyên nhân ít gặp hơn gây tiểu máu có thể là bệnh Schistosoma bàng quang (Schistosoma có thể đi đến tĩnh mạch bàng quang, làm tắc tĩnh mạch bàng quang và gây vỡ tĩnh mạch niêm mạc bàng quang); bệnh giun chỉ hệ bạch huyết; các bệnh lý di truyền như bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng Alport; do ngộ độc: axetanilit, nitrotoluen, cantarit, axit picric, lá cây đại hoàng, photpho...; do truyền nhầm nhóm máu gây vỡ hồng cầu hoặc tiểu máu; do chấn thương bàng quang niệu đạo hoặc chấn thương thận, niệu quản và cuối cùng là vận động với một cường độ quá lớn ở các vận động viên cũng có thể gây tiểu máu.
Làm gì khi bị chứng tiểu máu?
Do tiểu máu luôn là nguyên nhân của một bệnh lý thực thể tại hệ tiết niệu hoặc các bệnh lý toàn thân nên nếu nghi ngờ bị tiểu máu, nhất thiết nên đến ngay cơ sở y tế để khám xác định có bị tiểu máu hay không và nếu có thì nguyên nhân nào gây nên tiểu máu. Tuyệt đối không nên tự điều trị bằng kháng sinh, thuốc cầm máu, các thuốc Nam chưa rõ nguồn gốc cũng như chậm trễ trong việc đến khám sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh lý nguy hiểm này.
Theo SKDS