Tăng cường thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Cập nhật ngày: 03/08/2018 16:40:46

ĐTO - Tình trạng sử dụng xung điện, chất độc khai thác thủy sản, sử dụng các ghe cào có gọng, gắn máy phát điện khai thác thủy sản, dùng lưới có kích thước nhỏ là một trong những nguyên nhân làm nguồn lợi thủy sản (NLTS) cạn kiệt, mất cân bằng hệ sinh thái. Bảo vệ NLTS, UBND tỉnh, chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản, chỉ đạo các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, tuyên truyền bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản. 


Tình trạng mua bán các loại cá có kích thước nhỏ vẫn xuất hiện tại các chợ

Hiện nay, tình trạng khai thác NLTS của một số người dân vẫn còn mang tính tự phát, hoạt động theo mùa, khai thác theo kiểu tận diệt. Không chỉ người dân trong tỉnh mà người dân đến từ các tỉnh lân cận cũng lén lút khai thác trái phép với thủ đoạn tinh vi.

Qua theo dõi, kiểm tra, tháng 11/2016, cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn T. ngụ tại TX.Hồng Ngự vì sử dụng dụng cụ kích điện, xiệt điện, đoạn lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản. Ngày 14/4/2017, cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu 1 dynamo, 1 xiệt điện của ông Bùi Văn N., ngụ huyện Châu Thành đã tàng trữ công cụ kích điện và sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Tại các chợ, các loại cá con, các loại cá đang trong giai đoạn sinh sản vẫn được bày bán công khai. Một số người dân chưa chấp hành các quy định của pháp luật, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, dù bị xử phạt, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chưa thể chuyển đổi nghề.

Công tác đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản gặp khó khăn do tàu, thuyền khai thác thủy sản sử dụng máy công suất nhỏ, không thực hiện đăng ký, đăng kiểm...

Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, Quyết định triển khai chương trình bảo vệ và phát triển NLTS trong địa bàn tỉnh. Đồng thời, quy định cụ thể việc quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ, phát triển NLTS, bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2015 – 2020; nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Mỗi năm, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Cảnh sát Đường thủy đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trong lĩnh vực thủy sản, đường thủy nội địa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ NLTS.

Công tác thanh tra, bảo vệ NLTS được tổ chức thường xuyên, mỗi năm có từ 20 – 40 đợt thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Tháp phối hợp với tỉnh An Giang, Cần Thơ kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực, địa bàn giáp ranh. Qua kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính gần 50 trường hợp, kiểm tra gần 200 phương tiện khai thác thủy sản, tịch thu, tiêu hủy gần 40 xiệt điện, dynamo.

Cùng với công tác xử lý vi phạm hành chính, công tác tuyên truyền được các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện qua việc mở các lớp tập huấn phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, hội nghị, hội thảo, lắp đặt các pano, tập huấn tuyên truyền 22 lớp, phát gần 4.000 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền đến đối tượng cán bộ xã, người dân có tham gia khai thác thủy sản.

Tổ chức các đợt thanh, kiểm tra tại các khu vực chợ, điểm thu gom thủy sản, vận động, tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không khai thác thủy sản bằng các loại ngư cụ cấm, xung điện, chất độc, không thu mua thủy sản có kích thước nhỏ...

Qua tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm, tình trạng phục hồi, tái tạo NLTS có sự chuyển biến, một số loài thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng được nghiên cứu, sản xuất giống. Chi cục Thủy sản phối hợp cùng chính quyền địa phương, Giáo hội Phật giáo tổ chức thả khoảng 4 triệu con cá các loại: he vàng, mè vinh, hô, cóc, chài, thác lát, bông lau...

Để giảm thiểu tình trạng người dân khai thác trái phép NLTS, cần có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, mặt khác khuyến khích cá nhân đầu tư bảo vệ, bảo tồn, phát triển NLTS qua việc nghiên cứu, phát triển, nuôi, tái tạo những loài thủy sản đang nguy cấp, quý hiếm.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn