“Gia đình - nhà trường và xã hội” - Cần sự phối hợp đồng bộ hơn

Cập nhật ngày: 24/08/2017 06:41:47

ĐTO - Sự phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục: “Gia đình – nhà trường và xã hội” có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, tác phong của học sinh (HS). Tại hội thảo trực tuyến hoạt động phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động này một cách đồng bộ để góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.


Thông qua Hội Khuyến học, Prudential tặng 40 xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh vào đầu năm học 2017-2018

Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch liên tịch số 41 ngày 4/2/215 của Công an tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Tỉnh đoàn về phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, các qui định về phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ chức cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên (GV), HS và phụ huynh (PH) HS ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội tại các trường và thực hiện nghiêm túc các nội dung ký cam kết ngay từ đầu năm học.

Bên cạnh đó, các trường học duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình trong việc tập hợp HS, hạn chế tình trạng vi phạm nội qui nhà trường, lớp học, giúp đỡ HS chậm tiến bộ, có những biểu hiện vi phạm có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ và hành vi như: trường học đảm bảo an ninh trật tự (xây dựng trường học theo các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn về an ninh trật tự)... Thông qua các hoạt động này, nhận thức của cán bộ, GV, HS, PHHS về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã được nâng lên, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lí, giáo dục của nhà trường.

Nhà trường khuyến khích PHHS tham gia sổ liên lạc điện tử nhằm kịp thời thông tin, phối hợp trong học tập và rèn luyện đạo đức của HS, qua đó tạo sự liên lạc, gắn kết thường xuyên giữa GV chủ nhiệm, nhà trường và PHHS. GV chủ nhiệm lớp, trong các buổi họp với PHHS có sự chuẩn bị nội dung họp đầy đủ, nghiêm túc như: kế hoạch chung của nhà trường, lớp chủ nhiệm; thông báo tình hình học tập, rèn luyện của HS trong lớp; phối hợp tốt với Ban Đại diện cha mẹ HS lớp cùng ban cán sự, đoàn thể lớp và cán bộ phổ cập kịp thời đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, vận động các em đến trường, không để các em vì học yếu, thiếu điều kiện học tập mà bỏ học;...

Theo Thành đoàn Cao Lãnh, công tác phối hợp đã tạo cơ chế thuận lợi cho Thành đoàn triển khai thực hiện, trong đó tập trung các hoạt động tiếp sức đến trường, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho đoàn viên, đội viên trường học. Từ sự liên kết, phối hợp tốt giữa tổ chức Đoàn với ngành giáo dục đã tạo động lực giúp cho các trường có nhiều mô hình mới, hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục, chăm lo cho đoàn viên, đội viên, HS như: mô hình giáo dục khởi nghiệp, thư viện xanh – góc lớp, tiếng kẻng nhặt rác, ngôi nhà khăn quàng đỏ, heo đất tình bạn, giáo dục lịch sử truyền thống cho HS thông qua hành trình về địa chỉ đỏ, các câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ HS chưa ngoan...

Đồng chí Đoàn Trung Hiếu - Phó Bí thư Thành đoàn Cao Lãnh đề xuất: “Để công tác phối hợp phát huy hiệu quả, việc phân công GV làm công tác Đoàn - Đội phải là người thật sự nhiệt tình và bố trí mang tính dài hạn, tránh trường hợp bố trí tạm trong 1 năm học; tổ chức các lớp chia sẻ kinh nghiệm cho PHHS trong việc chăm sóc, giáo dục HS để cùng với nhà trường và xã hội chung tay giáo dục một cách toàn diện về đạo đức, lối sống văn hóa cho HS...”.

Đại diện một trường THCS ở huyện Châu Thành cho rằng, công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa thật sự thường xuyên, tích cực, hiệu quả chưa cao. Sự quan tâm của một số PH trong việc học tập của con em mình còn quá ít. Bên cạnh đó, một số PH gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn hay giao khoán việc giáo dục dạy dỗ con em mình cho nhà trường, thậm chí có một số gia đình không chịu phối hợp cùng nhà trường khi con em họ sai phạm. Ngoài ra, còn có một số gia đình khá giả lo làm kinh tế không quan tâm quản lí thời gian, việc học tập của con em mình ở tại nhà, đôi khi chưa làm gương cho con cái noi theo để học tập tốt...

Để công tác phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục đạt hiệu quả hơn, đòi hỏi sự chủ động, tích cực của các ngành liên quan trong giải quyết các hạn chế thời gian qua như: PH khoán trắng con em cho nhà trường; trong các cuộc họp giữa giáo GV nhiệm và PH còn ít ý kiến bàn bạc của PH; một số thành viên Ban Đại diện cha mẹ HS thiếu nhiệt tình, không thường xuyên tham gia các cuộc họp với nhà trường, chính quyền địa phương; việc tổ chức các hoạt động hè cho HS ở một số địa phương chưa đa dạng, hấp dẫn; một số nhà trường chưa thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với Ban Đại diện cha mẹ HS của các lớp và của nhà trường nhằm tháo gỡ khó khăn, thống nhất trong phối hợp hoạt động;... Tại hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục vào tháng 6/1957, Bác Hồ đã dạy: “... Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn